Thay đổi nhận thức người dân về chăm sóc sức khỏe

08:33 - Chủ Nhật, 10/01/2021 Lượt xem: 7105 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã vượt qua khó khăn, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mạng lưới y tế được củng cố và phát triển, tình hình dịch bệnh được kiểm soát; các chương trình chăm sóc sức khỏe đều đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Cán bộ y tế xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) thăm khám sức khỏe cho trẻ em.

Xác định công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe là một trong những nhiệm vụ tiên quyết hàng đầu nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói quen có hại cho sức khỏe. Trung tâm Y tế huyện luôn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng (phát tờ rơi, qua hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền trực tiếp…) các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mở rộng, đưa con đến cơ sở y tế khám và điều trị sớm khi ốm đau. Nhờ đó nhận thức về sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng của người dân ngày càng cao. Không chỉ khám, tư vấn ở trạm y tế xã mà nhiều gia đình có điều kiện kinh tế còn tới Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, các phòng khám tư để khám và tư vấn sức khỏe. Năm 2020, tổng số phụ nữ đẻ được quản lý thai nghén đạt tỷ lệ 91%; tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số trong thai kỳ được khám thai 3 lần/3 kỳ đạt 71%, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế là 51% đạt 136,7% kế hoạch giao (tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2019).

Công tác vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục được các trạm y tế phối hợp với UBND xã tổ chức lồng ghép Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; thực hiện vệ sinh môi trường, xây dựng bản văn hóa. Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, đến nay tỷ lệ hộ gia đình toàn huyện sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 85,7%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 47,34% (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019). Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện tương đối ổn định giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận vụ dịch nào xảy ra, hầu hết các ca bệnh truyền nhiễm đều có số ca mắc giảm so với năm 2019. Số ca mắc tiêu chảy 1.259 ca (giảm 115 ca); sởi/sốt phát ban nghi sởi 14 ca (giảm 182 ca so với cùng kỳ)…

Anh Vàng A Sử, người dân bản Pắc A 1 (xã Na Cô Sa) cho biết: Ngày trước, mỗi lần mắc bệnh, tôi thường làm lý, hơ lửa cho khỏi bệnh nhưng kết quả bệnh thường nặng thêm. Từ khi được các cán bộ y tế tuyên truyền kiến thức về chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình, tôi và nhiều người khác trong bản đã thay đổi nhận thức rất nhiều, khi đau ốm đều đến trạm y tế thăm khám và lấy thuốc. Hôm nay, phát hiện con trai có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, tôi đã vượt gần chục cây số đưa con xuống trạm y tế xã khám, để được cán bộ y tế tư vấn.

Anh Lò Văn Thỏa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Na Cô Sa cho biết: Ðối với địa bàn vùng sâu, vùng xa như Na Cô Sa thì vấn đề khó khăn nhất trong thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là thay đổi hành vi, tập tục của người dân khi tiếp cận với dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, việc tự giác, chủ động duy trì các hành vi tích cực trong vệ sinh phòng bệnh của nhân dân còn hạn chế, chưa bền vững. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên diễn ra phổ biến ở nhiều bản… Ðược sự quan tâm, chỉ đạo của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ và chính quyền địa phương, cán bộ y tế trên địa bàn từng bước khắc phục khó khăn để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, góp phần giảm tải số bệnh nhân chuyển tuyến và tạo được niềm tin của nhân dân trong xã. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn chưa để xảy ra tình hình dịch bệnh lớn; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi năm sau cao hơn năm trước (năm 2015 đạt 12,8%, năm 2019 tăng lên 30,5%).

Ông Nguyễn Giang Binh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ cho biết: Những năm qua nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức, kiến thức chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn được nâng lên; đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Tỷ lệ người dân đến các cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe năm sau tăng hơn năm trước. Từ đầu năm đến nay, tổng số lần khám bệnh 68.711 lượt (tăng 1,5%); kê đơn 57.675 lượt (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019); công suất sử dụng giường bệnh đạt 85,5%...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top