Chủ động phòng dịch bệnh trong mùa xuân

10:29 - Thứ Hai, 15/03/2021 Lượt xem: 5283 In bài viết

ĐBP - Mùa xuân là thời điểm người dân giao thương, đi lại nhiều nhất trong năm, cùng với thời tiết chuyển mùa sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh truyền nhiễm lây lan. Ðặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: Sởi, cúm, viêm não mô cầu…; những bệnh lây qua đường tiêu hóa (bệnh tay chân miệng, tiêu chảy...). Bên cạnh đó, nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị do các bệnh mãn tính cũng như cấp tính phát sinh do hành vi sinh hoạt, ăn uống bất thường thiếu kiểm soát qua kỳ nghỉ tết dài ngày.

Bác sĩ Khoa Lão khoa - Tim mạch (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân.

Sau dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay, Khoa Lão khoa - Tim mạch (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị do tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, viêm đường hô hấp... Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Thu Hiền, Khoa Lão khoa - Tim mạch cho biết: Vào thời điểm giao mùa, các bệnh lý đường hô hấp thường xuyên xảy ra và hay gặp nhất là viêm đường hô hấp trên (mũi, xoang, họng, thanh, khí, phế quản); bệnh rất dễ lây lan cho các thành viên trong gia đình, nơi làm việc, nhất là khi người bệnh hắt hơi. Ở những người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản… rất dễ bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát hoặc các biến chứng của bệnh do tâm lý chủ quan, lơ là việc kiểm soát bệnh.

Bà Nguyễn Thị Minh, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) bị huyết áp cao đã nhiều năm nay. Ðể duy trì huyết áp ổn định, bà Minh được bác sĩ kê thuốc uống đều đặn hàng ngày. Tuy nhiên, sau đợt tết Nguyên đán vừa qua, bà Minh đã phải vào viện để khám do thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt. Sau khi thăm khám, bà Minh được bác sĩ cho nhập viện để theo dõi tăng huyết áp. Theo bác sĩ Hiền, không chỉ bà Minh mà có rất nhiều trường hợp khác gặp phải những triệu chứng trên, bởi dịp tết chế độ ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi của những người cao huyết áp bị đảo lộn; nhiều người quên không uống thuốc, đo huyết áp hàng ngày. Bên cạnh đó, rượu, bia, thức ăn nhiều mỡ, muối... cũng ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh. Huyết áp không được kiểm soát có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, trong đó có tai biến mạch máu não. Những người có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não là người có bệnh lý tim mạch; cao huyết áp; xơ vữa mạch, rối loạn mỡ máu; thừa cân, béo phì; thường xuyên hút thuốc, uống rượu; tiền sử gia đình có bệnh đột quỵ; người bị đột quỵ lần một, lần hai...

Ðể chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa xuân, bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (vắc xin phòng bệnh sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm…); giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp. Cùng với đó, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, người dân cần có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ, giữ ấm cơ thể và hạn chế tiếp xúc đông người để tăng hiệu quả phòng bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top