Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh

Nhiều khó khăn, thách thức

15:34 - Thứ Sáu, 27/08/2021 Lượt xem: 5043 In bài viết

ĐBP - Tại tỉnh Điện Biên, công tác tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đã được triển khai từ năm 2013, với nhiều nội dung hoạt động và ở nhiều địa phương. Dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức…

Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh thực hiện thông qua lấy máu gót chân là phương pháp phát hiện các bệnh lý bẩm sinh, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Trong ảnh: Lấy mẫu gót chân cho trẻ sơ sinh ở xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ.

Chuyển biến tích cực

Hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh đã được thực hiện từ khá sớm trong các dịch vụ làm mẹ an toàn (chăm sóc trước sinh gồm: tư vấn, khám thai định kỳ, siêu âm, xét nghiệm… phát hiện bất thường cả mẹ và con trong quá trình mang thai). Còn hoạt động tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật sơ sinh thì chính thức được triển khai tại tỉnh Điện Biên từ năm 2013. Năm đầu tiên thực hiện tại 20 xã thuộc 4 địa phương cấp huyện: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Điện Biên và Mường Ảng; năm 2016 mở rộng thêm 13 xã thuộc huyện Mường Chà, Tuần Giáo; năm 2017 thêm 10 xã thuộc huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông và từ năm 2018 đến nay triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm đầu triển khai Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại tỉnh Điện Biên (năm 2013), tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh chỉ là 2,03% so với tổng số phụ nữ mang thai; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc là 3,98% so với tổng số trẻ sinh ra. Tuy nhiên, đến năm 2019 tỷ lệ phụ nữ đẻ được sàng lọc trước sinh tăng lên thành 26,05% và năm 2020 là 34,4%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh là 19,8% năm 2019 và 40,5% năm 2020.

 Khi bắt đầu triển khai Đề án, Ngành Y tế đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức hội thảo triển khai thực hiện và tập huấn kỹ năng truyền thông tư vấn, kỹ thuật lấy máu gót chân cho cán bộ y tế và cán bộ dân số. Hàng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã thực hiện kịp thời việc phân bổ kế hoạch, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ, tập huấn kỹ năng cho cán bộ các huyện, xã; nhất là, việc phân bổ, cung cấp vật tư sinh phẩm cho dịch vụ sàng lọc sơ sinh do Trung ương cấp; phối hợp với các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.

Song song với đó, công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động đã được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng; nội dung tập trung làm rõ lợi ích, các bệnh lý, các dịch vụ liên quan… Đối tượng tuyên truyền, tư vấn, vận động hướng đến nhân dân tại các thôn bản; đặc biệt quan tâm các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng có nguy cơ sinh con dị tật (phụ nữ mang thai trên 35 tuổi; có tiền sử sảy thai, thai chết lưu; kết hôn cận huyết thống; thai phụ bị nhiễm rubela; thai phụ sử dụng thuốc độc hại với thai nhi hoặc thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất…).

Bà Vũ Thị Thùy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Những năm đầu còn gặp nhiều khó khăn, do người dân chưa nhận thức được lợi ích của việc chẩn đoán, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; nên khó khăn trong công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động. Một số cơ sở y tế chưa có kinh nghiệm trong việc lấy máu gót chân trẻ; bên cạnh đó là nguồn mẫu giấy thấm máu do Trung ương cấp không thường xuyên, kịp thời…) dẫn đến kết quả đạt thấp. Những năm gần đây, đã có chuyển biến rõ rệt: Kỹ thuật chuyên môn thực hiện dịch vụ tại các cơ cở y tế được nâng lên đảm bảo yêu cầu, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh cơ bản đạt mục tiêu đề ra; cao hơn gấp nhiều lần thời điểm bắt đầu triển khai Đề án.

Nhiều trường hợp, bà mẹ sinh con tại nhà đã được cán bộ y tế đến tận nơi lấy mẫu sàng lọc sơ sinh cho trẻ.

Vẫn còn nhiều khó khăn thách thức

Kết quả đạt được sau gần 9 năm triển khai thực hiện Đề án là đáng ghi nhận, song vẫn phải thẳng thắn nhận định, công tác tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tại tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, thách thức. Bà Bà Vũ Thị Thùy, Chi cục Trưởng, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, phân tích:

Cử nhân Nhữ Thị Thùy, Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng:

Thời gian qua, công tác tầm soát sơ sinh tại huyện Mường Ảng gặp nhiều khó khăn. Không ít trường hợp, mặc dù cán bộ y tế cố gắng thuyết phục, nhưng gia đình nhất định không cho trẻ lấy mẫu máu gót chân để xét nghiệm sàng lọc, vì sợ trẻ đau; vì cho rằng bố mẹ, họ hàng hai bên khỏe mạnh thì trẻ cũng vậy. Thiếu vật tư sinh phẩm cũng là một nguyên nhân; năm 2021 đến thời điểm này trung tâm vẫn chưa được cấp mẫu giấy thấm để thực hiện sàng lọc sơ sinh; trong khi trên địa bàn huyện đã có gần 400 trẻ được sinh ra…

Hiện nay, dịch vụ sàng lọc trước sinh chỉ mới thực hiện bằng kỹ thuật siêu âm phát hiện bệnh Đao và một số bất thường về hình thể (số dị tật bào thai được phát hiện khi mang thai qua siêu âm chẩn đoán trung bình là 0,23% so với tổng số bà mẹ mang thai được siêu âm). Về sàng lọc sơ sinh, tại tỉnh Điện Biên chủ yếu thực hiện theo nguồn miễn phí, mẫu giấy thấm do Trung ương cấp và chỉ sàng lọc phát hiện được 2 loại bệnh (thiếu men G6PD và suy suy giáp trạng bẩm sinh). Số ca nghi ngờ mắc bệnh thiếu men G6PD trung bình là 7,5% so với tổng số trẻ sơ sinh được sàng lọc. Trong khi, mục tiêu đề ra đến năm 2025 và 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên, về cả số bệnh tật được tầm soát và tỉ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được tầm soát cao hơn nhiều.

Bên cạnh đó, dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật sơ sinh hiện chưa được xã hội hóa tại các cơ sở y tế. Đối tượng thực hiện chủ yếu dựa vào nguồn miễn phí của nhà nước; mẫu giấy thấm, vật tư do Trung ương cấp để thực hiện sàng lọc sơ sinh không thường xuyên, không kịp thời và không đủ so với chỉ tiêu kế hoạch được giao. Ngay như năm nay (năm 2021) đến thời điểm này, cũng chưa có mẫu giấy thấm để thực hiện. Đây là thiệt thòi lớn đối với cả bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh; có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số.

Cùng với đó, dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh tuy đã được xã hội hóa, nhưng tại trạm y tế xã mới chỉ thực hiện được việc khám thai và tư vấn, mà chưa thực hiện dịch vụ kỹ thuật sàng lọc chẩn đoán bệnh tật, dị tật bẩm sinh; trong khi điều kiện đi lại của người dân từ thôn bản đến xã, huyện còn nhiều khó khăn. Điện Biên là tỉnh khó khăn, kinh phí địa phương hỗ trợ cho hoạt động chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh không có, nên trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn chưa thể tháo gỡ.

Mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên là: Đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất (hiện tại tại tỉnh Điện Biên mới chỉ tầm soát được 2 bệnh). 70% trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất (hiện tại Điện Biên mới tầm soát được 2 bệnh). Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, số phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70% và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất.

Với những khó khăn, tồn tại từ thực tế thời gian qua; để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ công tác tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh tại tỉnh Điện Biên đã đề ra trong giai đoạn tiếp theo là một thách thức không nhỏ. Thực tế này đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp thông qua việc sát sao, quyết liệt trong lãnh đạo điều hành; quan tâm đầu tư kinh phí, huy động mọi nguồn lực, triển khai dịch vụ xã hội hóa tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số, y tế từ tỉnh đến cơ sở.

Ngày 11/8/2021, Bộ Y tế có Quyết định số 3845/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục một số bệnh, tật bẩm sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản. Theo đó,

- 4 bệnh, tật bẩm sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản, gồm: Hội chứng Edward, Hội chứng Down, Hội chứng Patau, Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.

- 5 bệnh, tật bẩm sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị sơ sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản gồm: Bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, Bệnh thiếu men G6PD, Tăng sản thượng thận bẩm sinh, Khiếm thính bẩm sinh, Bệnh tim bẩm sinh.

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top