Cô đỡ thôn bản - “cánh tay” nối dài của ngành Y tế

08:29 - Thứ Ba, 23/11/2021 Lượt xem: 4666 In bài viết

ĐBP - Ở những bản làng vùng sâu, vùng xa, mô hình cô đỡ thôn, bản đã đóng góp không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ có họ mà người dân được tiếp cận gần hơn đến các dịch vụ y tế, các sản phụ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và nhiều đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, an toàn. Dù chỉ có đồng phụ cấp ít ỏi, song những cô đỡ thôn, bản nơi vùng cao vẫn âm thầm gắn bó với công việc, họ được ví như “cánh tay” nối dài của ngành Y tế ở vùng sâu, vùng xa.

Dù vất vả nhưng cô đỡ Mùa Thị Lơ, bản Chiêu Ly, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) luôn quan tâm, thăm khám sức khỏe cho mẹ và trẻ.

Bài 1: Lặng thầm những cô đỡ thôn bản

Cô đỡ thôn bản là những người thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản ban đầu cho các bà mẹ và trẻ nhỏ. Mặc dù chế độ phụ cấp còn hạn chế, công việc khó khăn, vất vả, nhưng vì tình cảm, trách nhiệm với người dân nơi vùng cao, nhiều cô đỡ vẫn gắn bó với công việc, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ và trẻ em trên địa bàn.

Công việc nhọc nhằn

Men theo những con đường mòn mấp mô, lổm nhổm sỏi đá, chị Thào Thị Sú - cô đỡ bản Hừa Ngài, xã Hừa Ngài (huyện Mường Chà) rảo bước đến nhà một sản phụ trong bản để thăm khám sức khỏe cho bà mẹ và cháu bé mới sinh. Đoạn đường không quá xa nhưng nhỏ, hẹp và nhiều đoạn dốc nên chị Sú không thể di chuyển bằng xe máy mà phải đi bộ. Theo bước chân người phụ nữ này, chúng tôi mới thấy được sự vất vả của cô đỡ ở những bản làng vùng cao và càng thêm khâm phục tấm lòng, trách nhiệm của các chị. Vừa đi, vừa trò chuyện, chúng tôi được biết, chị Sú đã gắn bó với nghề này hơn 10 năm nay. Năm 2009, sau khi học xong THCS, chị Sú đã đăng ký theo học lớp đào tạo cô đỡ thôn bản để về bản chăm sóc sức khỏe cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Cho dù chỉ có đồng phụ cấp ít ỏi, lại phải trèo đèo, lội suối, đi sớm, về muộn thăm khám, tư vấn cho sản phụ, đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh, nhưng chị Sú vẫn âm thầm gắn bó với công việc.

Chị Sú tâm sự: “Ở xã Hừa Ngài có 8 bản, nhưng nhiều bản ở xa Trạm Y tế xã lắm, còn ra Trung tâm Y tế huyện thì phải đi mấy chục cây số mới đến nơi. Vì thế dân bản rất khó để tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là khi việc sinh nở của các bà mẹ cần phải kịp thời không thì rất nguy hiểm. Trong khi đó, tập quán sinh nở tại nhà của dân bản tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nguy hiểm cho cả mẹ và trẻ nữa. Vậy nên thay vì học tiếp THPT, mình đã theo khóa học 6 tháng để trở thành một cô đỡ thôn, bản, giúp đỡ bà con. Công việc dù vất vả nhưng may mắn là gia đình thông cảm, ủng hộ mình rất nhiều, đó là động lực để mình tiếp tục gắn bó với nghề, giúp đỡ mọi người”. Theo chị Sú, việc tuyên truyền cho những bà mẹ nâng cao sự hiểu biết về sức khỏe sinh sản và sinh con tại các cơ sở y tế, cũng như quan tâm tiêm phòng vắc xin cho trẻ đầy đủ… thì không gấp lắm, nhưng việc các bà mẹ “vượt cạn”, những biến chứng sau sinh thì rất cần hỗ trợ kịp thời nên không kể đêm khuya, mưa nắng, cứ có người đến gọi là chị lại lên đường.

Câu chuyện của chị Sú cũng không khác gì với chị Vàng Thị Cú – cô đỡ bản Nậm Chua 3, xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ). Vì cả xã có 2 cô đỡ thôn bản nên bất kể thời điểm nào có người gọi đến đỡ đẻ, chị lại “khăn gói” đến hỗ trợ. Chị Cú chia sẻ: “Đến nay đã 5 năm làm cô đỡ rồi nên mình biết sức khỏe của bà mẹ và trẻ là quan trọng nhất. Khi bà mẹ chuẩn bị sinh con thì không có nhiều thời gian đâu, phải tranh thủ từng phút, từng giây nên có khi nửa đêm hay sáng sớm nhận được tin báo có người sắp sinh, mình đều phải đi bộ đường tắt, băng qua rừng hàng chục cây số đến giúp sản phụ sinh nở. Để tranh thủ thời gian nên khi nào mình cũng chuẩn bị sẵn dụng cụ cần thiết ở nhà, khi cần cứ thế đi thôi chứ không thể thong thả được. Nhiều lần gấp quá, phần vì trời tối không để ý và cũng vì tập trung cứu giúp sản phụ nữa nên mình chạy băng qua rừng, cây rừng cứa rách chân, tay, chảy máu mà mình cũng không biết”.

Không riêng gì chị Sú, chị Cú, có lẽ đối với bất kỳ cô đỡ thôn bản nào ở vùng cao cũng vậy, họ luôn mang trong mình sự nhiệt huyết cũng như tinh thần trách nhiệm. Vậy nên dù khó khăn, vất vả, đường khó đi, bất kể ngày hay đêm, mỗi khi trong bản có ca chuyển dạ sinh con hay trẻ em ốm sốt… các cô đỡ đều có mặt kịp thời để hỗ trợ; nhờ đó tỷ lệ sản phụ bị tai biến, nhiễm trùng hậu sản, trẻ em bị uốn ván ở các địa phương đã giảm đáng kể.

Niềm hạnh phúc giản đơn

Trong suốt thời gian làm cô đỡ tại bản, cô đỡ Mùa Thị Lơ, bản Chiêu Ly, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) đã thực hiện nhiều cuộc tư vấn sức khỏe, đỡ đẻ. Và niềm vui, sự hạnh phúc nhất với chị Lơ là khi chứng kiến những đứa trẻ chào đời, “mẹ tròn con vuông”. Tuy nhiên, trong ký ức của chị có lẽ sẽ không bao giờ quên ca đỡ đẻ cho một sản phụ khi đã kiệt sức, khiến chị Lơ cũng như người nhà hết sức lo lắng.

Giao thông đi lại khó khăn nên các cô đỡ thôn, bản phải đi bộ đến thăm khám cho sản phụ. Trong ảnh: Cô đỡ Mùa Thị Lơ, bản Chiêu Ly, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) cùng nhân viên y tế đi tuyên truyền, vận động dân bản đến sinh đẻ tại cơ sở y tế.

Chị Lơ nhớ lại: “Khi đó đã nửa đêm rồi, ngoài trời tối mù mịt không nhìn rõ đường đi, nhưng khi người nhà sản phụ đến tìm, tôi đã đến nhà giúp đỡ. Vì sức khỏe yếu nên sản phụ đã lịm đi do kiệt sức. Lúc đó, bằng những kỹ năng được đào tạo, tôi đã giúp cả mẹ và con của sản phụ này đảm bảo an toàn. Người nhà thấy vậy cảm kích lắm và muốn trả ơn, nhưng với tôi, khi giúp đỡ được 2 mẹ con an toàn là vui rồi, đó là món quà đáng giá nhất với một cô đỡ đấy!”.

Chính vì thế, khi nhắc đến cô đỡ Mùa Thị Lơ, bà con dân bản luôn dành những tình cảm trân trọng, biết ơn. Thậm chí, không ít gia đình còn coi cô đỡ này như ân nhân của gia đình, điển hình như gia đình chị Giàng Thị Sú, bản Chiêu Ly (xã Sa Lông). Hướng ánh mắt nhìn đám con trẻ, chị Sú cho biết: “Gia đình mình biết ơn cô đỡ Lơ nhiều lắm, nhờ cô nên mình mới sinh ra những đứa con an toàn và khỏe mạnh. Cô đỡ Lơ nhiệt tình thăm khám, tư vấn, hướng dẫn tận tình việc ăn uống, vận động, sinh hoạt để bảo đảm sức khỏe cho mẹ và con, cho nên mình rất yên tâm. Rồi đến khi chuyển dạ, sinh nở lại nhờ cô đến giúp đỡ kịp thời. Từ khi sinh cháu xong, cô Lơ vẫn còn thường xuyên chăm sóc mẹ và bé nên gia đình tôi rất cảm động và coi cô như người thân!”.

10 năm làm nhiệm vụ cô đỡ thôn bản, chị Lò Thị Nhung, bản Hin 1, xã Na Sang (huyện Mường Chà) đã giúp đỡ rất nhiều gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận động tiêm chủng, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình... Công việc cô đỡ rất vất vả và luôn bị động, nhưng khi có ai gọi, chị Nhung sẵn sàng có mặt hỗ trợ, giúp đỡ. Xác định công việc dẫu có gian nan, nhưng niềm vui của chị Nhung là những kỷ niệm sau mỗi lần giúp đỡ các thai phụ “mẹ tròn, con vuông”. Chị Nhung chia sẻ: “Đối với tôi, việc làm cô đỡ thôn bản là quyết định đúng đắn, vì nó đã đem đến cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc. Mỗi lần đến tuyên truyền, thăm khám cho thai phụ tôi cũng rất lo lắng, nhưng niềm vui, hạnh phúc lại ngập tràn khi đỡ đẻ thành công cho một ai đó. Mỗi cháu bé chào đời “mẹ tròn, con vuông” là động lực để tôi quên đi những vất vả, nhọc nhằn và thêm gắn bó hơn với nghề”.

Cử nhân hộ sinh Nguyễn Thị Duyên, Hộ sinh trưởng, Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé chia sẻ: Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa như huyện Mường Nhé, dân cư phân bố rộng, đường sá đi lại khó khăn; trong khi đó, một bộ phận không nhỏ nhân dân quan niệm còn lạc hậu khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, cho nên nhiều phụ nữ không đến cơ sở y tế mà sinh con tại nhà, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về sức khỏe, tính mạng sản phụ, thai nhi. Vì vậy, các cô đỡ thôn bản có vai trò hết sức quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, họ là người sẽ phát hiện đầu tiên các vấn đề của mẹ và bé để báo về trạm, Trung tâm y tế huyện. Thời gian qua, các chị em đã rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chăm sóc tốt sức khoẻ cho người dân tại bản làng. Họ là những “cánh tay” nối dài của các y, bác sĩ ở nơi vùng cao vùng sâu, vùng xa.

Quả thực, mỗi bác sĩ cảm thấy vui khi cứu chữa thành công cho một bệnh nhân thì mỗi cô đỡ thôn bản vùng cao thật hạnh phúc khi nghe con trẻ cất tiếng khóc chào đời. Dù còn nhiều gian nan, vất vả nhưng đó là một công việc đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình và đó cũng là niềm vinh dự, sự tự hào của mỗi cô đỡ thôn, bản nơi rẻo cao cực tây Tổ quốc.

Bài 2: Để cô đỡ gắn bó với nghề

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top