Video

Thay lời tri ân

Thứ Năm, 19/11/2015 00:00 Lượt xem: 2636 In bài viết
ĐBP - “Tôn sư trọng đạo” là nét đẹp truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Đó cũng là lý do cứ đến ngày 20/11 hàng năm, trên khắp cả nước lại rộn ràng các hoạt động tri ân và tôn vinh thầy, cô giáo. Trong dòng chảy ấy, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn những tâm sự của các thế hệ nhà giáo đã, đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao Điện Biên, thay cho lời tri ân gửi tới các thế hệ nhà giáo.

Thầy giáo Vũ Kim Thuần, chúng tôi gọi ông và những nhà giáo cùng thế hệ với ông là những người mở đường. Bởi lẽ, họ là thế hệ giáo chức đầu tiên, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc xung phong lên Tây Bắc, trong đó có Điện Biên để thực hiện trọng trách cao cả: mang ánh sáng tri thức lên vùng cao. Họ đã đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành Giáo dục tỉnh nhà. Trong câu chuyện của họ ngày hôm nay, ký ức và những ngày tháng đầu tiên gây dựng sự nghiệp giáo dục vùng cao hiện về đầy gian khổ, song cũng rất đáng tự hào.

Sau Đoàn 59 ngày ấy, hàng nghìn, hàng vạn thầy cô giáo các thế hệ sau cũng đã lên và ở lại Điện Biên. Cùng đồng lòng khắc phục khó khăn để gây dựng sự nghiệp giáo dục. Nhìn lại chặng đường đã qua của tỉnh nhà, không thể không nhắc đến hình ảnh của những người thầy ấy. Và những ngày này, dù đã không còn đứng trên bục giảng, song các thầy, các cô vẫn nhận được rất nhiều những món quà mang giá trị tinh thần to lớn, không chỉ học trò, phụ huynh hay cá nhân nào mà toàn xã hội trao tặng. Trong số đó, món quà giá trị nhất đối với họ khi đã hoàn thành sứ mệnh Đảng, Nhà nước giao phó chính là nhìn thấy học trò của mình trưởng thành, chứng kiến sự lớn mạnh của nền giáo dục địa phương.

Tiếp nối truyền thống của lớp lớp các thế hệ nhà giáo đã đi trước, trên khắp các bản làng vùng cao xa xôi của Điện Biên hôm nay đều có bóng dáng của những thầy cô giáo trẻ. Họ là thế hệ tiếp nối, là những thanh niên hừng hực khí thế và đầy lòng yêu trẻ, từ khắp mọi miền của Tổ quốc, lên với vùng cao và ngày qua ngày cần mẫn gieo chữ, mang ánh sáng văn minh cho những đứa trẻ dân tộc nghèo khó. Trong số họ, rất nhiều người đã từng để lại quê hương, gia đình, mang theo ước mơ, khát vọng cháy bỏng là đem kiến thức, hiểu biết đến nơi núi rừng hẻo lánh xa xôi, đến với những đứa trẻ ngày ngày chỉ quen với núi đồi, nương rẫy; từng vượt qua hàng chục cây số đường rừng để vận động học sinh đến trường; đã dùng những đồng lương ít ỏi của mình để mua áo ấm cho học trò bớt lạnh... Và còn biết bao tấm lòng cao thượng, tâm hồn trong sáng đang ngày ngày cần mẫn bên trang giáo án, bên đàn em thơ ở khắp các bản, làng vùng cao, biên giới của Điện Biên. Các thầy, cô không chỉ đào tạo ra lớp lớp thế hệ học trò có ích, góp phần tạo dựng quê hương, mà chính bản thân họ cho đến hết đời vẫn là những tấm gương sáng ngời giống như những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, mà dẫu có viết cả nghìn trang giấy, nói cả cuộc đời có lẽ cũng không kể hết.

Trong bối cảnh hiện nay, ngoài mục tiêu “sánh kịp đồng bằng” theo đúng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, thì nhiệm vụ đặt ra cho đội ngũ những người làm giáo dục vùng cao lại càng nặng nề hơn. Bởi phải thực hiện cho bằng được Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thích ứng kịp với thời kỳ mới. Điều ấy đòi hỏi giáo viên vùng cao phải nỗ lực, cố gắng gấp năm, gấp mười đồng bằng. Nhưng dẫu khó khăn, hy sinh đến thế nào, cũng không thể so sánh với niềm hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm từ các thế hệ học trò và xã hội trong những ngày đặc biệt này, đó là giá trị tinh thần to lớn, tiếp  thêm động lực để các thầy cô nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cao cả.

Tục ngữ có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, hay theo quan niệm của một số nước phương Tây thì “Giáo dục một người đàn ông được một người đàn ông, giáo dục một người phụ nữ được một gia đình. Nhưng giáo dục một người thầy, sẽ có cả một thế hệ” – đó là những kết tinh ý nghĩa nhất về giá trị thực sự của người thầy, mà chúng tôi muốn nói thay cho lời tri ân thông qua phóng sự này muốn gửi tới thầy Thuần, cô Tâm, thầy Lâm… hay thế hệ tiếp nối như cô Xuân và hàng nghìn, hàng vạn thầy cô giáo đã, đang và còn tiếp tục gắn bó, cống hiến cho ngành Giáo dục tỉnh nhà suốt chặng đường đã qua và tiếp mãi về sau…

Hà Linh – Vũ Lợi

Back To Top