Video

Mường Lay mùa lễ hội

Thứ Năm, 07/01/2016 00:00 Lượt xem: 3388 In bài viết
ĐBP - Thị xã Mường Lay, từ lâu được nhiều người biết đến và xem như thủ phủ của người Thái trắng, với lễ hội Kim pang Then, những làn điệu múa nón, múa xòe nhịp nhàng, uyển chuyển... Đến Mường Lay vào mùa lễ hội – mùa của những chiếc thuyền đuôi én chạy đua trên lòng hồ đầy thơ mộng, du khách như được về với vùng đất của văn hóa, của truyền thống và du lịch sông nước.

Khác với mùa lễ hội đầu tiên (2015), Lễ hội đua thuyền đuôi én thị xã Mường Lay lần thứ II được tổ chức quy mô hơn, vì thế, lực lượng các đội tham gia cũng đông hơn. 16 đội đua, với hơn 300 vận động viên không chỉ đến từ các xã, phường của thị xã và nhiều địa phương như: Mường Chà, Điện Biên, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) và đoàn huyện Luông Pra Băng (nước CHDCND Lào).

Sáng sớm ngày đầu xuân năm mới (1/1), tại Bến cảng Cơ Khí, tiếng nhạc như phá tan màn sương bao trùm khắp thị xã. Tiếng loa máy rộn vang khắp các phố, bản ở Mường Lay, bà con hăm hở chuẩn bị đi xem thuyền thi đấu. Trời hửng nắng, cờ hoa với đủ sắc màu rợp cả đôi bờ sông nước. Lúc này, mọi công việc đều được gác lại, bà con từ già đến trẻ vội vã, hồ hởi trong chiếc áo mới khác hẳn cuộc sống lam lũ ngày thường.

Lễ khai mạc hội đua được khởi động bằng màn trống như thúc giục, khiến tâm trạng mỗi người có mặt ở đây thêm hồi hộp. Trước khi bước vào các trận đua đầy gay cấn và hấp dẫn, là hoạt động mang giá trị tâm linh rất lớn với người Thái trắng: Lễ tế thần sông nước. Với người Thái, ngoài ông bà, cha mẹ, họ còn tôn thờ thần sông, thần nước, cũng bởi thế mà dân gian mới có câu “Người Thái ăn theo nước”. Để bắt đầu cho một công việc quan trọng, họ thưởng cầu khấn 2 vị thần này. Vì lẽ đó, giữa không gian của ngày hội, không ai nhắc ai, từ các vị đại biểu, đến mỗi người dân hay du khách đều thể hiện sự tôn trọng trước mỗi hoạt động cầu khấn. Không gian lắng lại, mọi người cùng đắm mình trong làn điệu then và các thao tác của thầy cúng; họ cùng cầu nguyện các vị thần sông, thần nước linh thiêng phù hộ cho sự khởi đầu đầy thuận lợi, cầu một năm mưa thuận gió hòa, đồng thời cũng là để thể hiện tấm lòng biết ơn và coi trọng nguồn cội.

Ngay từ thuở mới lọt lòng, mỗi người con của quê hương Mường Lay đều ít nhất một lần được trải nghiệm cuộc sống sông nước, chứng kiến các thế hệ ông bà, cha mẹ chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, gió Lào và những thác gềnh cuồn cuộn đổ nơi đầu nguồn. Và không biết từ bao giờ, họ luyện cho mình tư thái sẵn sàng chống chọi với thiên nhiên. Sức vóc, sự mạnh mẽ đó thể hiện trên mỗi gương mặt đầy quyết tâm, mỗi tay chèo cuồn cuộn, rắn chắc của các tay đua. Sự sôi nổi bắt đầu khi mỗi vòng đua được khởi động. Nó không chỉ được thể hiện trên mặt sông, sự tranh đua quyết liệt trên từng mét nước của các đội đua, mà hơn thế đó là không khí cổ vũ đầy náo nhiệt ở trên bờ. Người nối người, đứng kín dọc theo cây cầu lớn và 2 bên lòng hồ, ai cũng muốn chọn cho mình vị trí tốt nhất để quan sát và cổ vũ cho các tay chèo. Lòng hồ vốn quanh năm lặng lẽ, nay lại như được dịp náo động hẳn lên với sắc màu của những chiếc áo các vận động viên mang trên mình, tiếng khua chèo thoăn thoát trên mặt nước và tiếng hò reo của cả tay chèo cùng người cổ vũ. Sau mỗi tiếng hò reo của khán giả, các tay chèo như mạnh mẽ hơn. Cứ thế, những chiếc thuyền đuôi én rượt đuổi nhau, lướt nhanh trên mặt hồ trong xanh. Giữa trời nắng chang chang nhưng họ vẫn hăng say với niềm đam mê cao độ. Có lẽ niềm vui của lễ hội đã ăn sâu vào máu thịt bà con từ thủa thiếu thời, mà minh chứng cụ thể nhất là một người đàn ông đã bước sang tuổi 60 từ vài năm trước, cũng chính là vận động viên của đội Sông Đà. Với sức khỏe phi thường, ông đã cùng đồng đội của mình vượt qua nhiều đường đua gay cấn, mà theo ông thì bí quyết đơn giản là nhờ những năm tháng tôi luyện cùng mái chèo và chiếc thuyền đuôi én để xoay sở với cuộc sống mưu sinh miền sông nước.

Không chỉ với người Thái bản địa, lễ hội đua thuyền đuôi én còn là dịp bà con làm ăn xa hướng về quê hương, nguồn cội. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng đến ngày này, họ lại chung hướng tìm về Mường Lay để được đắm mình trong dòng văn hóa của dân tộc, với những niềm vui bất tận. Đặc biệt, sự tham gia nhiệt tình, với thể lực và kỹ thuật thi đấu tốt của đoàn vận động viên huyện Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào), đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người có mặt tại mùa lễ hội năm nay. Ngược lại, bằng sự thịnh tình, mến khách, tinh thần cổ vũ hết mình, không phân biệt đội nhà – đội bạn, Mường Lay cũng ghi dấu những ấn tượng rất riêng trong lòng người anh em láng giềng của mình.

Trải qua 2 ngày đầy ấn tượng, lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ II đã khép lại, với số lượng người tham dự lên tới gần 3 vạn. Đây là phần thưởng rất lớn đối với không chỉ Ban tổ chức, mà tất cả những người quan tâm và dành tình yêu đặc biệt cho mảnh đất Mường Lay. Còn với những người dân nơi thị xã ngã ba sông này, truyền thống văn hóa quê hương của họ không những được bảo tồn mà đã quảng bá rộng rãi hơn, với dấu ấn riêng. Trải qua mỗi mùa lễ hội, mỗi chúng ta như thấy mình lớn dần lên trong văn hóa, và tâm hồn được nuôi dưỡng bằng mạch nguồn văn hóa, dẫu cho vùng đất ấy còn nhiều cực nhọc và lắm nỗi gian truân.

Hà Linh

Back To Top