Video

Dòng Đà Giang kêu cứu

Thứ Ba, 12/07/2016 10:21 Lượt xem: 6191 In bài viết

ĐBP - Lòng hồ Thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước từ năm 2012, sau khi tích nước người dân sống quanh khu vực lòng hồ có thêm nghề mới, đánh bắt và nuôi thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay tại khu vực thị xã Mường Lay việc khai thác thủy sản bằng kích điện đang là nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản. Việc đánh bắt bằng kích điện đã diễn ra khoảng 2 năm trở lại đây nhưng các cơ quan chức năng vào cuộc thiếu quyết liệt dẫn đến bức xúc trong nhân dân, nhất là những người khai thác thủy sản bằng phương pháp truyền thống.

Nguồn thủy sản bị tận diệt, dòng Đà Giang đang kêu cứu. Những người dân đánh bắt bằng phương pháp truyền thống như thả rọ, lưới, vó bè rất bức xúc, họ lo sợ nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì một thời gian nữa, nguồn thủy sản trên sông Đà không chỉ có nguy cơ bị tận diệt mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ.

Việc đánh bắt thủy sản bằng kích điện diễn ra chủ yếu vào mùa cạn (từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm), khi nước lòng hồ xuống. Thời gian cao điểm để đánh bắt là vào khoảng từ 5 giờ - 8 giờ và 16 giờ - 18 giờ hàng ngày. Để mục sở thị tình trạng này, chúng tôi đã có mặt tại khu vực ngã 3 sông Đà (thuộc địa phận phường sông Đà, thị xã Mường Lay). Trong khoảng gần 1 giờ có mặt tại đây, trên đoạn sông này có hơn 20 thuyền đánh cá bằng kích điện hoạt động. Trung bình mỗi thuyền có 2 – 3 người, họ sử dụng bình ắc quy 12V và kích lên thành nguồn điện 300V để đánh bắt cá. Chỉ trong một thời gian ngắn, những chiếc thuyền này đã đánh bắt đủ các loại cá tôm to, bé chết vì điện giật.

Theo phản ánh của một số người dân đánh cá bằng phương pháp truyền thống thì hiện có khoảng 30 – 40 thuyền đánh bắt bằng kích điện hoạt động. Mỗi khi những chiếc thuyền này đi qua, tôm, cá của các hộ đánh bắt bằng phương pháp truyền thống đều bị chết. Dù rất bức xúc về hành vi đánh bắt này nhưng họ không dám tố cáo vì sợ bị trả thù.

Một hậu quả thấy rõ là đánh bắt bằng kích điện sẽ dẫn đến tận diệt hết nguồn lợi thủy sản, từ tôm, cá bé đến trứng cá, về lâu dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, làm sụt giảm nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ. Nguy hiểm hơn nữa là tận diệt các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá Lăng, Chiên… Tuy nhiên tình trạng này đã và đang diễn ra một cách công khai nhiều năm qua mà chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc. Đem những hình ảnh ghi nhận từ thực tế và thắc mắc của mình, chúng tôi đã tìm gặp ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay, với mong muốn nhận được câu trả lời làm rõ vấn đề này.

Theo như cách giải thích của ông Vũ Xuân Linh thì tình trạng đánh bắt cá bằng kích điện đã giảm. Nhưng thực tế, trong hơn 1 ngày phóng viên tác nghiệp tại khu vực ngã ba sông Đà, vào lúc cao điểm có đến hơn 20 thuyền đánh bắt cá bằng kích điện nhưng không hề thấy bóng dáng các cơ quan chức năng. Mặc dù dịa điểm đánh bắt cá chỉ cách UBND phường Sông Đà chưa đầy 1km.

Nếu các cấp chính quyền không vào cuộc khẩn trương để ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bằng kích điện thì chỉ một thời gian ngắn nữa nguồn lợi thủy sản trên sông đà sẽ cạn kiệt, ảnh hưởng đến việc khai thác nguồn lợi thủy sản ổn định, lâu dài trên địa bàn.

Vinh Duy

Back To Top