Video

“Cát tặc” và những hệ lụy

Thứ Sáu, 12/08/2016 10:48 Lượt xem: 7514 In bài viết

ĐBP - Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... đã và đang là những hiểm họa đe dọa cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên mỗi khi mùa mưa đến. Vài năm trở lại đây, sức tàn phá của những loại hình thiên tai này lại càng diễn ra với cường độ ngày một nhiều. Thống kê từ cơ quan chuyên môn, mỗi năm thiên tai gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho các công trình nhà nước và tài sản, hoa màu, tính mạng của người dân. Ngoài các nguyên nhân vẫn được đánh giá là do biến đổi khí hậu, hệ lụy của nạn chặt phá rừng đầu nguồn, thì còn thêm một thủ phạm khác, đó là “cát tặc”.

Tại xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) – một trong những điểm “nóng” của nạn khai thác cát trái phép, sau 2 năm tăng cường ra quân ngăn chặn theo sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, thì ở đây vẫn chưa hết “nóng”. Điều đáng nói, thay vì lén lút như trước kia, giờ “cát tặc” đã chuyển hẳn sang hoạt động công khai. Giữa thanh thiên bạch nhật, những cỗ máy “rút ruột” lòng sông vẫn ầm ĩ hoạt động không ngừng nghỉ, những chiếc cần cẩu múc cát, xe chuyên chở cát... ra vào nhịp nhàng như thoi đưa. Chính quyền địa phương biết, thậm chí biết rất rõ, nhưng cũng đành bất lực.

Năm 2014, 2015 là 2 năm “nóng” về nạn “cát tặc”, cũng là khoảng thời gian “cao điểm” và khó khăn nhất trong việc kiểm tra, xử lý tình trạng này. Có ngày, lực lượng chức năng của xã tịch thu đến 6 đầu máy nổ phục vụ khai thác cát trái phép. Thế nhưng, mức xử phạt cao nhất cho mỗi vụ cũng chỉ là 5 triệu đồng, dường như cũng chẳng thấm tháp vào đâu... Trong khi đó, người dân hàng loạt các xã nằm trên lưu vực của các con sông, suối “nóng” về nạn “cát tặc” thì đang đứng trước những hiểm họa khôn lường, và nỗi lo lại thường trực khi mùa mưa đến.

Không khó để chúng ta nhận thấy mối liên hệ giữa những hệ lụy nhãn tiền với nạn “cát tặc”, khi nhìn thực tế từ các địa phương thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trong mùa mưa vài năm gần đây, như: Điện Biên, Tuần Giáo... lại cũng chính là điểm “nóng” về nạn “cát tặc” nhiều năm qua. Trong khi đó, theo thống kê của ngành Tài nguyên - Môi trường, thì toàn tỉnh hiện nay chỉ có 4 doanh nghiệp đăng ký hoạt động khai thác cát, sỏi, trong đó mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép và đi vào hoạt động.

Với sự phát triển của cơ sở hạ tầng ở Điện Biên trong những năm trở lại đây, thì nhu cầu cát, sỏi và các vật liệu xây dựng là thiết yếu. Có cung, ắt có cầu. Đó là quy luật tự nhiên của cơ chế thị trường và sự phát triển chung. Tuy nhiên, khai thác một cách bừa bãi, theo kiểu tận diệt, về lâu dài sẽ khiến những con sông, suối thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... những hệ lụy thật khó lường... Rõ ràng, khi mà quy luật của tự nhiên đã, đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của nhiều con người, thì đã đến lúc cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về vấn đề này. Được biết, hiện nay tỉnh đã quy hoạch một số vùng để khai thác tài nguyên cát, sỏi, chủ yếu thuộc lưu vực của sông Nậm Rốm. Việc quy hoạch lại để tập trung khai thác và quản lý là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên không đồng nghĩa với việc cho phép các đơn vị khai thác một cách ồ ạt và trái phép.

Rõ ràng, chúng ta không cấm hoạt động khai thác cát, sỏi phục vụ nhu cầu xây dựng và phát triển, song việc đưa vào quy hoạch và có sự quản lý chặt chẽ là hết sức cần thiết. Việc chủ động tuân thủ các quy định về luật khai thác khoáng sản của nhà nước, mà trước tiên đó là làm các thủ tục cần thiết để được cấp phép hoạt động, với những điều khoản cam kết ràng buộc về môi trường và chịu sự quản lý chặt chẽ của các đơn vị chức năng cần được khuyến khích, nhằm đảm bảo tính bền vững trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên, cuộc sống người dân khu vực, đồng thời cũng là tránh thất thoát nguồn thu cho nhà nước.

Hà Linh

Back To Top