Video

Điện Biên: Rừng Mường Nhé đang bị bức tử

Thứ Sáu, 07/10/2016 22:20 Lượt xem: 10459 In bài viết

ĐBP - Mường Nhé là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất toàn tỉnh. Toàn bộ rừng của Mường Nhé đều thuộc rừng phòng hộ xung yếu cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng dân di cư tự do vào Mường Nhé nhiều, đã dẫn đến những cánh rừng đang bị bức tử, thay vào đó là những nương lúa, nương ngô...

Tình trạng phá rừng làm nương của dân di cư tự do diễn biến phức tạp, có tổ chức, có khi đến hàng trăm người dân cùng phá rừng trước sự bất lực của các cơ quan chức năng. Việc phá rừng đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng hầu hết các vụ phá rừng đều rơi vào quên lãng, những cánh rừng vẫn biến mất ngay trước mắt các cấp chính quyền từ xã đến huyện. Họ vẫn coi việc giữ rừng là của lực lượng kiểm lâm và chủ rừng, nhưng thực tế công việc này đã trở nên quá sức đối với lực lượng kiểm lâm cũng như chủ rừng.

Đúng như lời ông Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Sáng, phần lớn diện tích rừng của các xã: Chung Chải, Leng Su Sìn, Mường Nhé, Nậm Kè... đã bị phá tan hoang. Những điểm còn sót lại là những vạt rừng mà chính những chủ rừng và lực lượng kiểm lâm phải chịu bao vất vả, thậm chí đổ cả máu để bảo vệ.

Địa bàn có tình trạng phá rừng nhiều nhất là các xã: Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé. Trước đây, đến Mường Nhé có thể thấy bạt ngàn màu xanh của rừng, nhưng chỉ trong thời gian chưa đầy 6 năm, hàng nghìn ha rừng của Mường Nhé đã bị chặt phá không thương tiếc. Điểm phá rừng nhiều nhất là bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn; từ năm 2011 đến nay có trên 400 hộ dân di cư vào đây, họ đã phá hàng nghìn ha rừng để làm nương trước sự bất lực của huyện. Những cánh rừng xanh trước kia chỉ sau 3 năm giờ đã thành đồi trọc thế này; những ngôi nhà tạm bợ của dân di cư tự do vẫn thản nhiên mọc lên; tiếng cưa máy vẫn gầm vang, những cánh rừng vẫn biến mất trong đêm…

Xã Mường Nhé cũng là địa bàn trọng điểm của tình trạng phá rừng. Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy 1 năm, hơn 25 hộ dân bản Nà Pán đã khai tử trên 200ha rừng để làm nương. Lực lượng kiểm lâm, chủ rừng vào cuộc để bảo vệ rừng thì họ bị chính những kẻ phá rừng tấn công, đe dọa. Trước sự việc trên, chính quyền xã, lực lượng kiểm lâm đã báo cáo với UBND huyện, đề nghị tăng cương lực lượng giúp sức để cứu những cánh rừng trước sự tàn phá của những người di cư tự do. Nhưng cái họ nhận được là những lời hứa, những văn bản... còn những cánh rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá.

Trước sự hung hãn của những kẻ phá rừng, tấn công lại lực lượng kiểm lâm và chủ rừng nên người dân không dám đi tuần tra, bảo vệ rừng. Do các vụ xô sát giữa người bảo vệ rừng và lâm tặc chưa được các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm, dẫn đến tâm lý hoang mang của người dân.

Theo con số thống kê từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn Mường Nhé đã có trên 500ha rừng bị chặt hạ. Cụ thể, năm 2013 có 210ha rừng bị phá, năm 2014 có trên 200ha rừng bị phá. Tuy nhiên, con số này chưa đúng với tình hình thực tế phá rừng tại địa phương. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, theo thống kê của huyện Mường Nhé thì đã có 157 vụ phá rừng, làm thiệt hại trên 153ha rừng. Có những cánh rừng hôm qua còn xanh tốt, nhưng chỉ qua một đêm đã bị chặt hạ hoang tàn. Với cưa máy, đèn pin buộc trên đầu, hàng chục thanh niên lực lưỡng chặt hạ những cánh rừng một cách không thương tiếc và họ sẵn sàng tấn công lực lượng bảo vệ rừng nếu bị phát hiện.

Dọc theo Quốc lộ 4H từ xã Chung Chải đến địa điểm giáp ranh xã Mù Cả (tỉnh Lai Châu) khoảng 15km, rừng hai bên đường đi đã biến mất, thay vào đó là những nương lúa, ngô, đất trống, đồi trọc. Trong khi đó, những cánh rừng bên phía tỉnh Lai Châu được bảo vệ rất tốt, không có tình trạng phá rừng, dân di cư của Mường Nhé cũng không dám sang phá rừng. Phải chăng công tác bảo vệ rừng của chính quyền huyện Mường Nhé đang có vấn đề.

Theo ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, huyện có biết tình trạng phá rừng, nhưng việc xử lý các vụ phá rừng, chính quyền huyện vẫn còn lúng túng, chưa biết xử lý thế nào?

Để rừng Mường Nhé xanh trở lại, rất cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, không để tình trạng phá rừng tái diễn kéo dài.

Vinh Duy

Back To Top