Video

Sát cánh cùng địa phương trên chặng đường đi tới

Thứ Năm, 13/10/2016 09:11 Lượt xem: 6477 In bài viết

ĐBP - Trong chuyến công tác và làm việc với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của địa phương trong việc khắc phục khó khăn để ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. Điều khiến Thủ tướng Chính phủ phấn khởi nhất, chính là lần đầu tiên Điện Biên thu ngân sách trên địa bàn đạt mức 1 nghìn tỷ đồng. Đó là kết quả đáng ghi nhận của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, trong đó không thể không kể đến những đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nghiệp tỉnh nhà.

Dù được hình thành nhiều năm qua nhưng khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự khởi sắc và tăng trưởng mạnh, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Tại Điện Biên, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nói riêng cũng có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới và hội nhập hiện nay.

Dù phải cạnh tranh với nhiều nhãn hàng cùng loại có chỗ đứng và thương hiệu lâu năm, như: Bỉm Sơn, Bút Sơn…, nhưng xi măng Điện Biên hiện nay đã không còn xa lạ với người tiêu dùng. Xi măng Điện Biên hiện có mặt ở nhiều công trình không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn vươn xa sang một số thị trường quốc tế, với những ghi nhận, đánh giá khả quan về chất lượng. Đằng sau thành quả đáng mừng đó là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ, sự đoàn kết, sáng tạo của tập thể cán bộ, công nhân viên và Ban Giám đốc công ty để “chèo lái” con thuyền vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, sóng gió, sát cánh cùng tỉnh vì mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với xi măng Điện Biên, mục tiêu này đã và đang trở thành mục tiêu chung đối với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn ngoài con số lợi nhuận.

Công ty xi măng Điện Biên chỉ là một trong tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay. Với sự tăng trưởng về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường và bắt đầu có những bước phát triển bền vững, dần ổn định việc sản xuất kinh doanh, thông qua đó góp phần tăng trưởng và ổn định nền kinh tế của tỉnh. Năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh lần đầu tiên đạt ngưỡng 1 nghìn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016 ước thực hiện 453 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó thu cân đối ngân sách địa phương tăng 15,66%. Những con số có phần khởi sắc này phần nào đã nói lên những đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà.

Song có thực tế là, trong điều kiện còn nhiều khó khăn như hiện nay, rất khó để doanh nghiệp có thể đứng vững nếu không có nguồn lực tài chính đảm bảo và sự năng động, sáng tạo. Trên thực tế, hàng năm vẫn ghi nhận nhiều doanh nghiệp thua lỗ và rơi vào tình trạng nợ đọng mất khả năng chi trả, ngừng hoạt động hoặc giải thể. Đặc biệt, có tới già nửa số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trong khi đó phần lớn công trình xây dựng lại phụ thuộc ngân sách nhà nước đầu tư. Việc thực hiện Luật Đầu tư công khiến nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn, không có việc làm. Nắm băt được điều đó nên trong thời gian vừa qua lãnh đạo tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của doanh nghiệp, từ việc cải cách thủ tục để làm sao các doanh nghiệp được hình thành, phát triển thuận lợi; xây dựng môi trường hoạt động minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp phát triển ổn định. Hàng năm tổ chức các diễn đàn cho doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, để cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Với những đóng góp nhất định, những năm qua đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã được nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của mình. Đây là nguồn động lực để doanh nghiệp đã, đang và sẽ vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, tiếp thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống cho người lao động.

Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, với rất nhiều khó khăn đặc thù, cùng với việc hạn chế nguồn vốn từ thực hiện Luật Đầu tư công, đã và đang là những rào cản kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững thì rất cần sự năng động, sáng tạo của mỗi doanh nhân, song cần hơn nữa đó là sự quan tâm từ chính quyền địa phương, trong việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về lâu dài, thiết nghĩ cũng cần nghiên cứu để có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ một phần doanh nghiệp xây dựng sử dụng vốn ngân sách từng bước chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Có như thế mới phần nào tháo gỡ khó khăn, từng bước đưa các doanh nghiệp dần đi vào ổn định, để tiếp tục sát cánh cùng địa phương trên chặng đường đi tới.

Hà Linh

Back To Top