Video

Chuyện giữ rừng ở Mường Nhé

Thứ Tư, 19/10/2016 08:36 Lượt xem: 9428 In bài viết

ĐBP - Chỉ trong vòng mấy năm, hàng nghìn ha rừng của huyện Mường Nhé bị người di cư chặt phá làm nương rẫy. Chủ rừng thì ra sức giữ rừng, thậm chí đổ cả máu để bảo vệ rừng; họ còn bị kẻ phá rừng tấn công, đe dọa nhưng lại không được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng quan tâm, bảo vệ. Điều này khiến không ít chủ rừng hoang mang, lo sợ và không dám cùng lực lượng kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng.

Chỉ tính riêng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Mường Nhé xảy ra nhiều vụ người dân di cư tự do phá rừng, tấn công, đe dọa chủ rừng và kiểm lâm. Điển hình là vụ việc ngày 3/3/2016, tại khe suối Huổi Sủng, xã Mường Nhé với hàng trăm người Mông di cư tự do cầm gậy và dao phát, phục kích, tấn công lực lượng đi đo đếm, tuần tra bảo vệ rừng, làm 6 người bị thương. Trong đó 1 cán bộ kiểm lâm bị chấn thương khắp người, 1 cán bộ xã bị chảy máu, 1 người dân bị rách đầu, 1 người bị vụt bằng gậy gây chấn thương, 1 người bị dao chém vào cánh tay. Sau đó, nhóm người dân di cư đã bắt lực lượng kiểm lâm, cán bộ xã, bản và người dân phơi nắng gần 2 giờ để đòi yêu sách phải chia đất cho họ sản xuất, được hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng như người dân bản địa…

Sau khi xảy ra vụ việc, UBND xã Mường Nhé đã báo cáo sự việc với UBND huyện, Công an huyện và đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ. Nhưng đến nay đã 7 tháng trôi qua vẫn chưa có câu trả lời, do vậy càng khiến người dân hoang mang không dám đi tuần tra, bảo vệ rừng.

Không chỉ hung hãn tấn công lực lượng bảo vệ rừng ngay tại hiện trường mà những đối tượng này còn đến tận bản, vào từng nhà đe dọa người dân. Người dân bản địa lo sợ, tiếc rừng song cũng đành bó tay. Bởi thực tế họ đã làm hết trách nhiệm, mà lại không được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng bảo vệ.

Cũng tại xã Mường Nhé chỉ trong vòng gần 1 năm từ cuối 2014 đến  tháng 10 năm 2015 đã có hơn 200 ha rừng của bản bản Nà Pán bị phá. Mặc dù chủ rừng là người dân bản Nà Pán ra sức giữ rừng, nhưng họ bị những người phá rừng tấn công nhiều lần. Thậm chí, họ còn bị đe dọa đến tính mạng nếu tiếp tục tuần tra bảo vệ rừng. Sự việc này, bản Nà Pán, UBND xã Mường Nhé đã báo cáo huyện, nhưng dường như huyện không mấy quan tâm, còn kẻ phá rừng có vẻ ngày càng hợm hĩnh, coi thường pháp luật hơn.

Tại bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn năm 2014 cũng xảy ra vụ việc người phá rừng cậy đông người đã áp đảo lực lượng bảo vệ rừng. Ông Sừng Go Lồng kể cho chúng tôi, tháng 4 năm 2014 khi hơn 20 hộ dân người Hà Nhì bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn đi bảo vệ rừng đã bị gần 100 hộ dân di cư tự do tấn công. Không những vậy, đối tượng phá rừng còn xuống từng nhà đe dọa các hộ dân sẽ bị đánh nếu tiếp tục giữ rừng. Việc này UBND xã Leng Su Sìn, UBND huyện Mường Nhé biết, nhưng không có biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ rừng. Chính vì thế những kẻ phá rừng vẫn vô tư phá rừng và đánh lại bất kỳ ai ngăn cản họ phá rừng. Những vạt rừng nằm xuống để lộ những khoảng đồi trọc, hơn 400ha rừng tại khu vực khe Chí Khé đã trở thành đồi trọc chỉ sau 2 năm

Những cánh rừng dần mất, kẻ phá rừng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật,  và coi việc phá rừng là tất yếu của cuộc sống mưu sinh, trong khi đó UBND huyện và các cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng, bất lực. Nếu UBND huyện, cơ quan công an không xử lý dứt điểm các vụ việc người dân bị tấn công khi bảo vệ rừng, không có biện pháp cứng rắn đối với những kẻ chống người thi hành công vụ, thì công cuộc giữ rừng của Mường Nhé sẽ chẳng bao giờ có được kết quả tốt đẹp.

Vinh Duy

Back To Top