Video

Nỗi ám ảnh lá ngón

Thứ Năm, 03/11/2016 10:18 Lượt xem: 8651 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê của chính quyền địa phương, ở huyện vùng cao Điện Biên Đông, nơi được mệnh danh là "Vương quốc lá ngón" với những câu chuyện về cái chết thương tâm do tự tử bằng lá ngón, trung bình mỗi năm có hàng chục người phải vĩnh viễn ra đi vì ăn lá ngón tự tử. Điều đáng nói là đến nay vẫn chưa có cách nào để đẩy lùi được tình trạng này, biện pháp hữu hiệu nhất đối với chính quyền, ngành Y tế huyện vẫn chỉ là tuyên truyền. Thế nhưng, có một nghịch lý hiện nay là càng tuyên truyền, số lượng người tự tử bằng lá ngón lại càng tăng.

Trong căn nhà xập xệ, anh Vừ A Cho, bản Tìa Ló B, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông cùng hai đứa con nhỏ chuẩn bị bữa cơm trưa. Hơn 4 tháng qua sự ra đi đột ngột của người vợ luôn ám ảnh trong tâm trí anh Cho và các con. Chỉ vì xích mích gia đình, vợ anh đã tìm đến cái chết bằng lá ngón, để annh lại gà trống nuôi con. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại khó khăn hơn.

Vợ anh Vừ A Cho không phải là trường hợp duy nhất tìm đến cây lá ngón để tự tử ở xã Noong U. Mỗi năm, xã Noong U có hàng chục người tự tử bằng lá ngón và trong số đó chỉ 5-7 người được cứu.

Từ đầu năm 2016 đến nay, xã Noong U đã ghi nhận 11 trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó có 3 người chết, 8 người may mắn được cứu sống do phát hiện sớm và đưa đến trạm y tế kịp thời. Mặc dù xã đã tích cực tuyên truyền nhưng dường như càng tuyên truyền số lượng người tự tử lại có xu hướng tăng.

Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm Y tế huyện ghi nhận 73 trường hợp tự tử bằng lá ngón. Trong đó có 29 người chết. Con số tử vong tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015 (với 15 người tử vong). Nhiều nạn nhân dù đã có 4 - 5 mặt con nhưng vẫn sẵn sàng ăn lá ngón tự tử vì những lý do đơn giản hoặc vì bức xúc gia đình họ cũng sẵn sàng tìm đến cái chết bằng lá ngón.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông cũng khẳng định, giải pháp khả thi nhất để ngăn chặn tình trạng tự tử bằng lá ngón là tuyên truyền. Cùng với đó là tăng cường đội ngũ y tế cơ sở, nhằm giảm thiểu số người bị tử vong do ăn lá ngón trên địa bàn huyện.

Biện pháp khả thi nhất vẫn là tuyên truyền, nhưng tuyên truyền phải đúng cách, phải tìm cách thay đổi nhận thức của người dân; cơ bản hơn là thay đổi thái độ coi nhẹ mạng sống của chính mình đối với nhiều bà con dân tộc Mông ở các bản làng vùng cao. Khi đó mới có thể hy vọng không còn những cái chết thương tâm, dại dột vì “con ma” lá ngón...

Vinh Duy

Back To Top