Video

Mong manh đào rừng

Thứ Ba, 24/01/2017 09:49 Lượt xem: 8008 In bài viết

ĐBP - Đã nhiều năm nay, những cánh đào rừng trên các triền núi cao từ khắp các địa phương trong tỉnh lại “gánh” thêm xứ mệnh mới: Mang xuân về thành phố. Nhu cầu người chơi đào rừng ở thành phố ngày một lớn, nhưng việc khai thác lại không được quản lý theo quy hoạch, nên chỉ sau vài năm, đã khiến số phận những cây đào rừng ngày càng trở nên mong manh...

Đường Nguyễn Hữu Thọ là điểm hẹn quen thuộc của người dân TP. Điện Biên Phủ với đào rừng mỗi độ tết đến xuân về. Bắt đầu từ khoảng 20 tháng chạp, thương lái và người buôn đào đã tập kết đào rừng về đây để bày bán. Dọc khoảng 1km trên tuyến đường này, có tới hàng chục chủ đào khác nhau, mỗi chủ có trong tay từ vài cành, đến hàng chục cành đào rừng, với kích thước và hình dáng đa dạng, thậm chí có cành được cắt sát gốc, đường kính tới vài chục cm. Tuy nhiên, theo các thương lái ở đây cho biết, năm nay những cành đào cổ thụ thế đẹp, thân mốc đã trở nên khan hiếm và họ phải rất vất vả mới “săn” được vài cành đào đem về bày bán dịp tết.

Đào rừng bày bán tại đây được khai thác từ khắp các khu rừng thuộc một số huyện, như: Mường Chà, Tủa Chùa, Điện Biên Đông... Cũng bởi nguồn khan hiếm nên giá đào rừng năm nay được đẩy lên cao hơn so với các năm trước. Bình quân một cành đào rừng để trưng bày trong các gia đình có giá từ 200 – 400 nghìn đồng; cành đẹp hơn có giá từ 800 nghìn đồng đến vài triệu đồng. Đối với những gốc đào mốc cổ thụ, chủ yếu được các doanh nghiệp lớn lựa chọn thì mức giá lên tới vài chục triệu đồng.

Giá thành đắt, nhưng chất lượng đào lại không đẹp. Theo nhiều người chơi đào, năm nay những gốc đào rừng cổ thụ, mốc meo đã gần như không còn, chủ yếu là đào non, thế không đẹp và không có nhiều hoa. Đó là lý một số người sau nhiều lượt ngắm nghía vẫn không lựa chọn được cành đào ưng ý.

Đào rừng thu hút người chơi đào bởi dáng vẻ phong trần, xù xì hoang dại và sắc hồng quyến rũ kết tinh từ hương sắc đất trời nơi núi rừng Tây Bắc. Thế nhưng, tỷ lệ nghịch với nhu cầu chơi đào rừng ngày một nhiều của người dân thành phố hiện nay, thì trên các triền núi, đào rừng đã thưa dần những gốc cổ thụ và số lượng cũng như chất lượng đào rừng xuống phố cũng ngày một thưa thớt dần.

Hà Linh

Back To Top