Video

Những bước chân không mỏi

Thứ Ba, 20/06/2017 08:46 Lượt xem: 12759 In bài viết

ĐBP - Tác nghiệp trong mưa bão, tác nghiệp giữa bùn lầy, nắng cháy...; phải vượt những cung đường đèo dốc hiểm trở, trơn trượt mùa mưa; vượt sông sâu, suối hiểm... Đó là một vài trong số rất nhiều thử thách mà phóng viên vùng cao phải vượt qua để đến với cơ sở và địa bàn tác nghiệp. Điện Biên – mảnh đất của những cung đường cheo leo, đèo dốc hiểm trở và những bản làng heo hút, xa xôi. Nơi ấy, đã in dấu biết bao bước chân của những phóng viên vùng cao...

Chắc hẳn độc giả còn nhớ trận mưa lũ lịch xảy ra vào những ngày trung tuần tháng 7/2014 trên địa bàn tỉnh. Những hình ảnh mới nhất, chân thực nhất đã được gửi đến bạn đọc khắp mọi miền ngay khi trận lũ còn đang diễn ra. Nước lũ ngập bản làng, cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm của nhân dân. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự bất lực trước những mất mát của con người được phác họa chân thực và kịp thời thông qua bài viết, hình ảnh của phóng viên gửi về.  Những hình ảnh đã lấy đi không ít nước mắt và sự thương cảm của nhiều người. Song, có lẽ không mấy ai thấy được phía sau ống kính, người phóng viên đã phải bất chấp nguy hiểm, vượt qua nỗi sợ hãi và nén xúc cảm của cá nhân để mang đến cho độc giả những hình ảnh chân thực đó. Và đối với phóng viên trẻ Lò Thị Phương Liên, đó là kỷ niệm không bao giờ quên, song cũng là niềm tự hào vì cô là phóng viên nữ duy nhất tác nghiệp tại sự kiện này.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, với 130 xã, phường, thị trấn. Đa phần trong số đó là các địa bàn vùng sâu, vùng xa khó khăn. Địa hình đồi núi hiểm trở, quanh co đèo dốc, thiên tai thường xuyên xảy ra, nhất là vào mùa mưa nên việc phóng viên phải thường xuyên túc trực để tiếp nhận và trực tiếp tác nghiệp đưa tin phản ánh về những sự kiện như vậy là khó tránh khỏi.

Trong khi đó, đa phần địa bàn tác nghiệp là các bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới, dân cư lại sinh sống không tập trung. Có những địa bàn cách xa trung tâm cả chục, thậm chí hàng trăm cây số. Mặc dù những năm qua địa phương đã tập trung đầu tư để phát triển giao thông, tuy nhiên vào mùa mưa vẫn còn không ít nơi bị biệt lập, phải đi bộ. Để có được những hình ảnh, bài viết chân thực nhất ở cơ sở, cùng với khó khăn chung của nghề, phóng viên vùng cao phải vượt thêm những khó khăn đặc thù. Và những câu chuyện trớ trêu xung quanh cung đường tác nghiệp luôn là đề tài quen thuộc, song không bao giờ cũ đối với họ.

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng bằng nhiệt huyết, trách nhiệm của người làm báo, phóng viên Báo Điện Biên Phủ luôn biết cách biến các chuyến đi tác nghiệp cơ sở trở nên thú vị, với những trải nghiệm về mỗi vùng đất, dân tộc thấm đẫm tình người. Và chính những tình cảm ấy là nguồn động lực quan trọng, thúc đẩy bước chân những người phóng viên vùng cao nỗ lực mỗi ngày để đến nhiều hơn các bản, làng xa xôi, cách trở.

Những hình ảnh đẹp về mỗi vùng đất đi qua, những tình cảm từ cơ sở, những trăn trở của người dân, hay chỉ đơn giản là ánh mắt của một em bé vùng cao cũng khắc vào tim người làm báo những nỗi niềm xúc cảm. Để từ đó, bằng ngòi bút của mình, họ truyền đi thông điệp giá trị qua mỗi trang giấy, tác phẩm đến với bạn đọc. Thông qua những trang viết ấy, những tấm gương sáng đời thường trong lao động, học tập, rèn luyện được nhân rộng; những phản ánh mang hơi thở cuộc sống được truyền tải; những chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân; đồng thời đó cũng là “cầu nối” đưa tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại.

Những thử thách về giao thông, về điều kiện tác nghiệp, sự bất đồng ngôn ngữ, hay khó khăn, thiếu thốn ở cơ sở chưa bao giờ trở thành rào cản đối với bước chân những người làm báo. Tình yêu với nghề, lời hứa với dân, và đặc biệt là trách nhiệm với mỗi tác phẩm khi truyền tải đến bạn đọc, chính là động lực để mỗi phóng viên, nhà báo tiếp tục nỗ lực mỗi ngày.

Đã một vài lần chúng ta đọc và cảm kích trước hình ảnh những người giáo viên, cán bộ, chiến sỹ bộ đội, công an, bác sỹ... lăn lội khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa vì sự nghiệp giáo dục, cuộc sống và sức khỏe nhân dân. Nhưng để mọi người hiểu hết giá trị của những cống hiến ấy, thì không thể thiếu sự hy sinh thầm lặng của những người làm báo. Và dù có là nam hay nữ, thực hiện tác phẩm báo in, báo hình, báo nói, báo hay báo điện tử, đã chọn nghề phóng viên, mà lại là phóng viên vùng cao thì không thể thiếu tình yêu với nghề. Chính tình yêu ấy mới đủ sức thuyết phục họ bước tiếp những bước chân không mỏi để luôn xứng đáng là những người “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”.

Hà Linh – Phương Liên

Back To Top