Video

Không gian đậm sắc màu văn hóa Mông

Thứ Năm, 18/01/2018 15:28 Lượt xem: 8099 In bài viết

ĐBP - Là 1 trong 19 dân tộc của tỉnh Điện Biên, đồng bào Mông hiện nay còn gìn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có tết cổ truyền Nào Pê Chầu. Để phát huy, đồng thời tạo sân chơi cho bà con vui tết Nào Pê Chầu ý nghĩa, những năm gần đây huyện Điện Biên đã đứng ra tổ chức “Ngày hội văn hóa dân tộc Mông”, và trở thành hoạt động thường niên 2 năm 1 lần. Ở đây, bà con dân tộc Mông sinh sống tại 10 xã trong huyện cùng tụ họp, giao lưu, phô diễn tài năng thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao trong một không gian đậm sắc màu văn hóa Mông.

Thung lũng Na Ư nằm ngay dưới chân núi Ca Hâu giữa những ngày “ngủ đông” trong sương mờ bao phủ, bỗng như thức tỉnh bởi sắc màu hoa văn sặc sỡ của đồng bào Mông trắng, Mông hoa, Mông đen, Mông xanh… cùng về hội tụ. Đây là địa điểm được UBND huyện Điện Biên lựa chọn để tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ 3 những ngày vừa qua. Phụ nữ Mông đến hội với trang phục đẹp nhất, để thể hiện sự khéo léo trong mỗi đường kim, mũi chỉ. Còn hành trang không thể thiếu đối với mỗi chàng trai Mông lại là chiếc khèn, như một cách để chứng tỏ và khẳng định mình.

Mở đầu là màn trình diễn Lễ cúng dòng họ “Lử su chia pê chầu” của đồng bào Mông. Đây là nghi lễ quan trọng trong chuỗi các nghi lễ chiều 30 tết của dân tộc Mông, với mục đích cầu mong thần linh về phù hộ cho con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát triển. Bằng hình thức sân khấu hóa, họ đã tái hiện lại hết sức sinh động các thủ tục của lễ cúng, thể hiện rõ nét độc đáo trong đời sống tâm linh của người Mông, quan điểm về giá trị của cuộc sống, sự coi trọng gia đình, dòng họ và thể hiện lòng tôn kính, biết ơn với các thế hệ cha ông.

Sau phần nghi lễ, bà con cùng nhau hòa chung vào lời ca, điệu múa và các trò chơi dân gian. Những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Mông được gần 200 nghệ sỹ không chuyên là chính người dân trình bày, thể hiện nét đẹp nguyên sơ nhưng đầy cuốn hút ẩn sâu trong những đôi mắt vốn quanh năm chỉ biết đi nương, đi rừng.

Giữa không gian núi rừng, điệu múa khèn như một nét chấm phá đầy thú vị. Những vũ điệu nhịp nhàng nhưng đầy khỏe khoắn, thể hiện sự tài hoa, dũng mãnh của người đàn ông Mông. Tiếng khèn da diết, dập dìu thay cho lời tỏ tình gửi gắm đến người con gái mà họ thầm thương trộm nhớ; đồng thời tiếng khen cũng là minh chứng về sức sống mãnh liệt của văn hóa Mông giữa đại ngàn nắng gió của núi rừng Tây Bắc.

Say trong tiếng khèn réo rắt, nhưng nhiều người cũng cuốn vào nhịp điệu của quả pa pao trao đi, trao lại; những cú đánh đầy dứt khoát của trò chơi tù lu… Đó không đơn giản là trò chơi, mà chính là văn hóa, là nét riêng của mỗi hội xuân mà hiện nay vẫn còn gìn giữ. Mỗi dịp như thế, già trẻ, gái trai không phân biệt, đều có thể tham gia các chơi trò chơi này.

Sôi nổi, hào hứng và thu hút người xem nhất có lẽ vẫn là ở màn thi tài giã bánh dày của các chàng trai, cô gái Mông. Sự hào hứng, cổ vũ nhiệt tình của người xem khiến không khí càng trở nên nhộn nhịp, và đây cũng là nét riêng có ở mỗi hội xuân của đồng bào vùng cao. Dù ở các đội thi khác nhau, song về với ngày hội, cùng chung nhịp chày chắc nịch, họ đã biến nồi xôi nếp thơm nừng thành những chiếc bánh dày dẻo thơm, là món quà giá trị với mỗi du khách có mặt.

Sau lần đầu tiên tổ chức vào năm 2009, với nhiều ấn tượng trong lòng không chỉ đối với đồng bào Mông mà cả đông đảo du khách, cho đến nay huyện Điện Biên đã và đang duy trì rất tốt hoạt động này. Và đúng như tên gọi, nơi đây đã trở thành ngày hội chung, là điểm hẹn mỗi dịp tết đến xuân về của đông đảo đồng bào Mông trên địa bàn. Ở đây, mỗi người dân được phát huy vai trò, khả năng và trở thành chủ thể chính của ngày hội. Từ đó, họ ngày càng thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về văn hóa dân tộc mình.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ 3 đã khép lại, nhưng âm hưởng của tiếng khèn Mông réo rắt, những sắc màu váy áo rực rỡ, cùng với những con người chất phác sẽ là trải nghiệm đầy ấn tượng cho bất cứ ai yêu văn hóa và du lịch. Còn với mỗi người dân, chia tay ngày hội, họ mang theo sự phấn khởi và trở về với các bản làng heo hút lưng chừng núi. Ở nơi đó, họ bắt đầu với cuộc sống lao động thường ngày, nhưng không quên chờ đợi những cuộc gặp như thế vào ngày hội lần sau. Để từ đó, mạch nguồn văn hóa cứ thế được nuôi dưỡng, góp thêm vào dòng chảy văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Điện Biên. 

Hà Linh

Back To Top