Video

Đôi bàn tay diệu kỳ

Thứ Năm, 08/03/2018 10:36 Lượt xem: 8643 In bài viết

ĐBP - Tục ngữ Thái có câu “Úp bàn tay nên hoa, ngửa bàn tay thành bông”, ý ngợi khen đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người phụ nữ. Từ đôi bàn tay ấy đã tạo nên nhiều sản phẩm quý giá, thiết thực cho đời sống. Đặc biệt, với chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, thì giá trị của đôi bàn tay ấy lại càng được đề cao.

Đây là những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo được tạo ra từ đôi bàn tay của phụ nữ dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên). Những đường nét hoa văn hình voi, hình rắn, hình vạn, chùa tháp… được hình thành từ những thứ thân thuộc xung quanh cuộc sống thường ngày của họ. Nhìn những hình ảnh này, nhiều du khách đã từng nghĩ, phải được tạo ra từ một hệ thống máy móc hiện đại. Song họ đều ngạc nhiên khi đến thăm nơi làm ra nó. Tất cả chỉ gói gọn trong những khung dệt thô sơ, thông qua đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ ở đây đã biến thành những sản phẩm có giá trị, tạo nên hình ảnh, thương hiệu riêng. Và đây là công việc thường ngày của họ, được duy trì từ nhiều đời nay.

Điện Biên không chỉ được biết đến là “cái nôi” của lịch sử, mà còn được nhiều người gọi là miền văn hóa, với đa dạng sắc màu của cộng đồng 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có đặc trưng riêng, mà trong đó thể hiện rõ nét nhất thông qua bộ trang phục truyền thống. Với nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây, trang phục họ mặc hàng ngày phải là truyền thống do chính bàn tay họ làm ra. Cũng có dân tộc, để thuận tiện và thích ứng với cuộc sống hiện đại, họ đã mua và mặc trang phục làm sẵn bên ngoài. Song vào các dịp lễ tết, hoặc gia đình có việc trọng đại thì trang phục truyền thống là sự lựa chọn bắt buộc. Chính vì lẽ đó, nghề dệt và thêu thổ cẩm luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống. Và đây cũng được xem là tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của một người phụ nữ.

Chiều dài của thời gian càng khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong đời sống, nhất là trong bảo tồn và gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là những món ăn truyền thống, mà khi nhắc đến người ta có thể gọi tên ngay cộng đồng dân tộc đã sáng tạo ra nó. Đó là những làn điệu dân ca, dân vũ riêng có của mỗi dân tộc được nhiều người biết đến, thậm chí được công nhận là di sản và có chiến lược gìn giữ, bảo tồn. Và còn rất nhiều những giá trị tốt đẹp khác mà trong đó không thể thiếu vắng hình ảnh người phụ nữ, và sự tâm huyết cùng đôi bàn tay tài ba của họ đang nỗ lực lưu truyền.

Cuộc sống hiện đại khiến những tục lệ xưa không còn bó buộc người phụ nữ phải biết dệt vải, thêu thùa, tạo ra các sản phẩm phục vụ gia đình, hay làm của hồi môn trước khi về nhà chồng; nhiều người trong số họ đã bước ra khỏi khung cửi, những bó buộc về lễ nghi, thủ tục và tham gia vào các hoạt động xã hội. Song, dù ở thời nào thì mạch nguồn văn hóa dân tộc vẫn âm thầm chảy trong mỗi người phụ nữ, và nó luôn được đề cao, khuyến khích phát huy.

Những ngày đầu tháng ba này, vui chung với niềm vui của chị em phụ nữ khắp cả nước, những người phụ nữ Mông ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà lại đầy vinh dự, tự hào khi được đón nhận Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống. Những đôi bàn tay thô ráp bởi cuộc sống lao động nương rẫy thường ngày, nay thoăn thoắt, nhịp nhàng và khéo léo làm nên những hoa văn độc đáo trên vuông vải rực rỡ sắc màu… Đó là những sản phẩm được tạo ra từ trí óc và sự sáng tạo của các thế hệ phụ nữ đi trước; song lại được nuôi dưỡng và duy trì bằng sự tâm huyết và đôi bàn tay khéo léo của các thế hệ phụ nữ sau. Việc công nhận, cùng với các hoạt động khuyến khích bảo tồn sau đó, chính là động lực để phụ nữ Mông ở Sa Lông nói riêng, cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung tiếp tục nâng niu, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhất là những sản phẩm giá trị được tạo nên từ chính đôi bàn tay mộc mạc nhưng đầy diệu kỳ của người phụ nữ.

Hà Linh

Back To Top