Video

Công nghệ giáo dục Tiếng việt 1 – Người trong cuộc nói gì?

Thứ Bảy, 15/09/2018 12:06 Lượt xem: 17195 In bài viết

ĐBP - Một giờ học Tiếng Việt của cô và trò lớp 1 tại Trường Tiểu học Him Lam, TP. Điện Biên Phủ. Đây là những tiết học đầu tiên của chương trình học theo công nghệ giáo dục mới. Học sinh được giáo viên hướng dẫn phân biệt nguyên âm, phụ âm; cách tách tiếng trong một câu. Và những kiến thức này, theo chương trình học hiện hành thì phải tới các lớp lớn hơn học sinh mới được tiếp cận. 

Với chương trình công nghệ mới này, học sinh sẽ có 2 tuần không. Tức là trong thời gian này các em được làm quen với trường lớp, thầy cô và tiếp cận với các quy tắc, ký hiệu… Trên cơ sở đó hình thành thói quen, kỹ năng làm tiền đề tiếp thu chương trình kiến thức ở các bài sau. Ở đây, cách viết và sử dụng Tiếng Việt vẫn được giữ nguyên, chỉ có phương pháp giáo dục là thay đổi. Các quy tắc mới về bộ chữ, cách đọc và ghép chữ được giáo viên đưa ra rõ ràng; các hình khối, như: Ô vuông, hình tròn, tam giác… được sử dụng ở đây như một ví dụ trực quan giúp học sinh nhận biết số từ và tiếng trong một câu. 35 phút học diễn ra trong không khí thoải mái, khiến học sinh không còn cảm giác căng thẳng, áp lực.

Trên cơ sở những quy tắc đã được học, nắm rõ về quy luật chính tả, các em được tự nhiên phát triển tư duy, phát huy tính sáng tạo, linh hoạt để ghép từ, ghép câu theo ý hiểu của mình. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi những trường hợp học sinh ghép thành các từ, câu vô nghĩa. Lúc này, cần đến vai trò của người giáo viên.

Do được triển khai áp dụng ngay từ lớp 1, khi học sinh bắt đầu tiếp cận với chương trình giáo dục mọi kiến thức đều là mới, nên về bản chất thì học sinh không phải thay đổi, mà chỉ có giáo viên phải thay đổi và linh hoạt để có phương pháp giảng dạy tốt nhất.

Là một giáo viên có nhiều năm công tác, cũng như bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy cho học sinh lớp 1, cô giáo Đặng Thị Phương, Trường Tiểu học Thanh Hưng cũng có những đánh, giá so sánh tương tự. Những ưu điểm của chương trình công nghệ mới giúp học sinh nắm vững luật chính tả; hiểu rõ về cấu tạo, cấu trúc ngữ âm nên linh hoạt và chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức là điều mà cô Phương luôn quan tâm.

Trường Tiểu học Thanh Hưng – Nơi mà cô giáo Phương đang giảng dạy là một trong số những cơ sở giáo dục đầu tiên của huyện Điện Biên thí điểm áp dụng phương pháp giáo dục công nghệ mới. Cho đến nay thì đã bước sang năm thứ 5 triển khai. Trung bình mỗi năm có trên dưới 100 học sinh lớp 1 theo học. Các thế hệ học sinh là sản phẩm từ phương pháp giáo dục này hiện nay vẫn đang theo học các lớp lớn hơn tại trường. Kết quả đánh giá qua mỗi năm học cho thấy kiến thức cơ bản về Tiếng Việt của học sinh đều rất tốt, vì thế việc tiếp cận kiến thức khác trong chương trình học cũng trở nên dễ dàng hơn.

Để phụ huynh hiểu, đồng thuận với chương trình học, vào đầu mỗi năm học các nhà trường thường đều tổ chức họp phụ huynh, để thông báo và trao đổi về nội dung chương trình học. Tâm lý chung của nhiều phụ huynh khi có con bắt đầu tiếp cận chương trình lớp 1 công nghệ mới này đều rất lo lắng. Sự hoài nghi và lo lắng ở đây là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, họ bắt đầu yên tâm hơn sau một thời gian chứng kiến quá trình con học tập.

Việc triển khai giảng dạy bộ sách Tiếng Việt 1 – công nghệ giáo dục tại Điện Biên hiện mới chỉ là thí điểm chứ chưa đưa vào áp dụng đại trà. Với người trong cuộc thì đều đã ghi nhận những ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, kết quả học tập cuối cùng của trẻ là điều mà các bậc phụ huynh quan tâm nhất, mà ở đây người giáo viên trực tiếp giảng dạy đóng vai trò hết sức quan trọng. Và khi nhìn dòng chữ, lắng nghe đoạn văn mà những đứa trẻ học sinh lớp 2 (năm học 2017 – 2018 các em đã học chương trình công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại) này đọc, thì có lẽ bất cứ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn và cảm thấy ấm lòng…

Hà Linh – Phạm Quang

Back To Top