Video

Dưới “mái nhà” bán trú

Thứ Tư, 12/12/2018 14:33 Lượt xem: 5489 In bài viết

ĐBP - Tọa lạc trên non cao chót vót thuộc địa phận xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sa Dung hiện có quy mô 15 phòng học, 24 phòng ở nội trú và 1 nhà ăn. Đây là nơi đang theo học của trên 500 học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đa phần là người Mông. Do địa hình phức tạp, giao thông đi lại hết sức khó khăn, cá biệt, nhiều bản như Háng Tàu cách trung tâm xã 20km đường đồi núi, nên có tới trên 90% học sinh ở nội trú tại trường.

Mỗi tuần 6 ngày theo học, là 6 ngày các em ăn, nghỉ, sinh hoạt tại trường. Vì thế trường học được ví như mái nhà thứ 2 của các em. Và mỗi thầy cô giáo được các em coi như người cha, người mẹ thứ 2.

Vui hơn khi được sinh sống, học tập tại trường, đó là lý do các em đến trường đầy đủ hơn, tỷ lệ học sinh chuyên cần vì thế mà cải thiện hơn rất nhiều, đặc biệt là đối với học sinh nữ. Cảnh giáo viên về từng bản, đến từng nhà vận động học sinh ra lớp vẫn còn, song chỉ thực hiện tập trung 1 lần duy nhất vào đầu mỗi năm học. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp của nhà trường luôn duy trì từ 95 – 97%; tỷ lệ học sinh nữ học hết lớp 9 và học lên Trung học Phổ thông cũng cải thiện rõ rệt.

Ngoài giờ lên lớp, những học sinh ở bán trú còn được các thầy, cô hướng dẫn tăng gia sản xuất, như: trồng rau xanh, nuôi lợn, gà… để cải thiện bữa ăn và rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc bản thân, giúp các em tự lập hơn khi sống xa gia đình, từ đó có điều kiện quan tâm đến việc học của mình hơn.

Thống kê hiện nay toàn huyện Điện Biên Đông có 27 trường học theo mô hình Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, và có trên 6.500 em đang được hưởng theo Nghị định 116.

Đó là những đánh giá khái quát, còn cụ thể trên những con số cho thấy, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ở cấp tiểu học những năm gần đây luôn đạt 100%, cấp THCS đạt 95%. Nếu như trước kia, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần diễn ra phổ biến ở các khu vực vùng cao, thì giờ đây mô hình trường học bán trú không chỉ khắc phục tối đa tình trạng này, mà đáng ghi nhận hơn, những đứa trẻ được phát triển toàn diện hơn khi được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, và rèn luyện kỹ năng sống mỗi ngày dưới những “mái nhà” bán trú.

Hà Linh

Back To Top