Video

Mô hình “3 cứng” xóa phòng học tạm ở Nậm Pồ

Thứ Sáu, 21/12/2018 15:40 Lượt xem: 7265 In bài viết

ĐBP - Từ nguồn kinh phí sửa chữa trường, lớp học và nguồn xã hội hóa, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã dựng được 269 phòng, lớp học và 196 nhà công vụ, nhà nội trú học sinh theo tiêu chí “3 cứng”. Đó là giải pháp hữu hiệu để xóa phòng học tạm, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, các thầy, cô giáo; góp phần quan trọng vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục trên địa bàn.

Đến Trường Tiểu học Chà Cang, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ), ngay trước mắt chúng tôi là dãy phòng học khá khang trang. Nếu như chỉ quan sát bên ngoài, không ai nghĩ rằng những phòng học này được xây dựng theo mô hình “3 cứng”. Phần tường đã được nhà trường ốp bằng các tấm vách ngăn thạch cao chịu nước, ốp trần, lát nền đá hoa nên khang trang không kém những phòng học xây kiên cố. Đó là kết quả sau nhiều tháng lao động vất vả của các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh góp sức cùng nhà trường xây dựng ngôi trường theo mô hình “3 cứng”, nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất dành cho con em và học sinh có môi trường học tập tốt và chuẩn bị cơ sở vật chất để đạt trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Cũng như trường Tiểu học Chà Cang, hiện nay Trường Mầm non Pa Tần, xã Pa Tần đang tập trung dựng phòng học, nhà công vụ giáo viên, nhà hiệu bộ theo mô hình “3 cứng”,thay thế những phòng học tạm, tranh, tre dột nát. Từ một phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện huy động các nguồn xã hội hóa cùng sự đóng góp ngày công của phụ huynh và giáo viên dựng lên những ngôi nhà “3 cứng” với các nguyên vật liệu, như: Tôn, khung sắt khá chắc chắn. Để xây dựng các phòng, lớp học theo mô hình “3 cứng”, bên cạnh nguồn lực xã hội hóa của chính quyền xã và phụ huynh học sinh, nhà trường còn vận động các thầy cô giáo đóng góp ngày công lao động, tham gia dựng nhà với phương châm “sáng tay phấn, chiều tay cưa, tay hàn”. Bằng cách làm đó, nhiều trường học trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã có phòng học, nhà công vụ khang trang, chắc chắn.

Việc xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của giáo dục vùng cao vẫn là một bài toán khó không chỉ riêng Nậm Pồ. Từ trước đến nay, thực trạng phòng học tạm chiếm tỷ lệ cao, làm ảnh hưởng đến việc dạy, học và chất lượng giáo dục các địa bàn khó khăn. Vì vậy, huyện Nậm Pồ cũng như các huyện, thị khác trong tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để xóa các phòng học tạm. Nhưng để xóa bỏ những phòng học tạm, phòng học tranh tre, nứa lá trong điều kiện ngân sách hạn hẹp là rất khó và không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Mô hình xây dựng phòng học theo tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, mái cứng và khung cứng) như Nậm Pồ đã và đang là một cách làm hay và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Mặc dù chưa thể bằng các phòng, lớp học được xây dựng kiên cố nhưng các phòng học, nhà công vụ dựng lên theo mô hình “3 cứng” đã góp phần tích cực vào việc cải thiện cơ sở vật chất trường, lớp học đối với giáo dục vùng cao. Với các huyện nghèo như Nậm Pồ, mô hình “3 cứng” là giải pháp hiệu quả để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Phạm Quang

Back To Top