Video

Người dân cần thận trọng tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

Thứ Sáu, 28/06/2019 16:58 Lượt xem: 8959 In bài viết

ĐBP - Có thể nói, sau gần 3 tháng xuất hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã bước qua giai đoạn cao trào, song theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thì tình hình vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Dẫu vậy, hiện nay nhiều bà con ở một số địa phương đã nóng vội đầu tư tái đàn và tăng đàn.

Gia đình bà Lò Thị Hổn, bản Phiêng Pẻn, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo) là một trong những hộ chăn nuôi lợn truyền thống tiêu biểu ở địa phương, với quy mô khoảng 10 con/lứa. Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình bà may mắn khi đã kịp thời xuất chuồng đàn lợn trước dịch. Đầu tháng 6 mới đây, khi thấy tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã đi vào ổn định, bà Hổn tiếp tục đầu tư mua 8 con lợn giống về nuôi. Theo bà cho biết, số lợn này được mua từ một gia đình người quen tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Cùng với gia đình bà Hổn, theo thống kê sơ bộ từ chính quyền địa phương, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn xã Mùn Chung đã có khoảng 80 hộ đầu tư tái đàn và tăng đàn lợn, với mức bình quân từ 4 – 15 con/hộ. Do tâm lý chung là muốn nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, nên đa phần bà con tự liên hệ tìm mua lợn giống địa phương ở các khu vực lân cận về nuôi.

Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, Mùn Chung nằm trong dánh sách 4 xã được huyện Tuần Giáo xác định đã hết dịch. Tuy nhiên, về phía cơ quan chuyên môn thì vẫn chưa khuyến khích việc tái đàn vào thời điểm này, do những diễn biến chung của dịch bệnh trên địa bàn và các khu vực lân cận còn nhiều phức tạp. Việc nóng vội tái đàn sẽ khiến người chăn nuôi đứng trước nhiều rủi ro và nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát là khó tránh khỏi.

Việc người dân khó khăn nên mong muốn nhanh chóng tái khôi phục sản xuất sau thiệt hại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng thì đây chưa phải là thời điểm phù hợp. Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vắc xin và thuốc đặc trị, mầm bệnh do virus dễ phát tán và lây lan trong môi trường. Các hộ chăn nuôi lợn không nên quá nóng vội, trước mắt có thể chuyển đổi sang một số vật nuôi khác để cắt đứt môi trường lây truyền bệnh, tránh những thiệt hại không đáng có, đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững.


Hà Linh

Back To Top