Video

Huổi Khương mùa khan hiếm nước

Thứ Tư, 08/01/2020 09:39 Lượt xem: 5241 In bài viết

ĐBP - Đây là những hình ảnh đã diễn ra hơn 5 năm nay tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Đán, thuộc bản Huổi Khương, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ. Hàng ngày, để có nước sinh hoạt sử dụng, hàng chục học sinh bán trú của trường phải đi bộ gần 1,5km từ điểm trường xuống khe suối Huổi Khương để múc từng can nước. Từ lâu, con dốc dài quanh khe núi đã trở thành đường mòn và việc xách nước trở thành thói quen của các học sinh sau mỗi giờ học. Vào những ngày giữa mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 3 dương lịch hàng năm), việc khan hiếm nước sinh hoạt ở mức đỉnh điểm, thì mỗi can nước nhỏ do học sinh mang về vẫn không đủ cho nhu cầu sử dụng tại trường. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, sinh hoạt của thầy và trò nơi rẻo cao Huổi Khương.

Nhóm học sinh lớp 3 này vừa tan học buổi chiều, các em đã bắt tay ngay vào việc đi xách nước. Mùa này, nước suối Huổi Khương cũng cạn dòng, trơ từng bãi đá, nhưng rất may là nguồn nước đổ về từ thượng nguồn núi cao nên nước khá trong và sạch. Không rõ từ lúc nào, mỗi học sinh nơi đây đã hình thành thói quen tiết kiệm nước trong sinh hoạt hàng ngày. Nước sau khi sử dụng được các em tận dụng để lau dọn phòng ở bán trú; nước rửa rau được đem đi tưới vườn hoa, vườn rau; còn việc giặt giũ quần áo, đồ dùng cá nhân thì hoàn toàn ở ngoài suối. Vào mùa này thời tiết rất lạnh, khiến nước suối càng thêm giá buốt hơn, nhưng đối với những học sinh ở đây, điều đó không quan trọng, miễn là có nước để dùng trong sinh hoạt.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước tại chỗ, những năm qua, thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Đán đã thực hiện nhiều biện pháp, như: vận động xã hội hóa làm đường ống dẫn nước mó trên khe về để sử dụng, nấu nướng; đào giếng khoan; làm bể chứa tích trữ nước mưa... Tuy nhiên, do đặc thù vùng núi cao khô, nắng gió quanh năm, nguồn nước sạch tự nhiên khan hiếm và lượng mưa ít ỏi nên mọi biện pháp của nhà trường đều không hiệu quả. Hiện nay, bể chứa của nhà trường tích trữ được một phần nhỏ nước sạch dùng để nấu ăn, còn phần lớn mọi sinh hoạt của thầy và trò đều phải sử dụng nước suối Huổi Khương.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Đán hiện nay có khoảng 300 học sinh bán trú và gần 30 thầy, cô giáo. Các thầy cô đa phần ở nơi khác đến dạy học nên sinh sống luôn tại dãy nhà cấp 4 cạnh trường. Cùng với tình trạng thiếu nước chung ở bản Huổi Khương, nước sinh hoạt cho các thầy, cô giáo sử dụng tại nhà cũng là nỗi trăn trở lớn của nhà trường. Các giáo viên đã bỏ tiền tự làm đường ống dẫn nước sạch trên khe về dùng, nhưng nguồn nước này khan hiếm, nhỏ giọt quanh năm nên dù đã tận dụng, tiết kiệm hết mức mà vẫn không đủ nước để dùng. Cá biệt, có những ngày các thầy, cô giáo phải sử dụng nước suối Huổi Khương để nấu thức ăn.

Ngoài Huổi Khương, chắc chắn vẫn còn nhiều nơi vùng cao của tỉnh Điện Biên thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân cũng như giáo viên, học sinh tại các trường học. Để khắc phục tình trạng này, rất mong các cấp, các ngành sớm quan tâm, đầu tư hệ thống dẫn nước sạch, phục vụ sinh hoạt cho giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Đán nói riêng và người dân vùng cao nói chung; giúp thầy trò và người dân nơi đây với bớt khó khăn trong mùa khan hiếm nước.

Phương Liên

Back To Top