Video

Phát triển cây mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé

Đã dần tháo gỡ những khó khăn

Thứ Năm, 05/03/2020 15:59 Lượt xem: 6370 In bài viết

ĐBP - Trước đây, những diện tích đất lâm nghiệp này còn là đồi trọc, chỉ có cây dại mọc thưa thớt. Từ khi Công ty Cổ phần Đầu tư & phát triển Mắc Ca Tây Bắc triển khai trồng mắc ca công nghệ cao, thì hơn 250ha đất trống, đồi trọc tại huyện Mường Nhé đã được cải tạo, thay thế bằng những cây mắc ca xanh tốt.

Mắc ca vốn được coi là cây “tỷ đô”, khó trồng và mới mẻ đối với người dân cũng như thổ nhưỡng ở huyện Mường Nhé, nên từ khi bén rễ trên mảnh đất này vào năm 2019, Công ty Cổ phần Đầu tư & phát triển Mắc Ca Tây Bắc đã gặp không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên là bất lợi về thời tiết. Vào các tháng dự kiến trồng cây mắc ca (tháng 7, 8) thì hạn hán kéo dài, việc triển khai trồng phải lùi lại hơn 1 tháng, đã phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

Những cây mắc ca cao ngang đầu người này thuộc nhiều dòng mắc ca thuần chủng, được lai ghép và trồng quy củ trên khoảnh đồi của bản Sen Thượng, xã Sen Thượng. Với diện tích 250ha, Công ty đã trồng đủ 70.000 cây. Mỗi cây trồng đều được gắn mã định vị để theo dõi qua hệ thống định vị toàn cầu GPS. Theo dự kiến, trong năm 2019, lẽ ra Công ty Cổ phần Đầu tư & phát triển Mắc Ca Tây Bắc sẽ triển khai trồng được 2.500ha mắc ca tại các xã: Sen Thượng, Chung Chải và Leng Su Sìn. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn lao động tại chỗ và vấp phải sự phản đối của một bộ phận người dân sở tại, nên Công ty chưa thể hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai của dự án, khiến diện tích trồng thực tế mới đạt 10% so với dự kiến.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng xác định việc thuê nhân công, lao động địa phương là nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số bản địa, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và chung tay giữ gìn, phát triển vùng trồng cây mắc ca khu vực biên giới. Do vậy, Công ty Cổ phần Đầu tư & phát triển Mắc Ca Tây Bắc đã thực hiện tuyển lao động theo hợp đồng dài hạn; sau đó từng bước đào tạo, bồi dưỡng kiến thức để người lao động tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và dần quen với tác phong công nghiệp; cùng với đó, là đảm bảo chế độ tiền lương cho người lao động giúp họ yên tâm, gắn bó lâu dài với công ty.

Hiện nay, ngoài diện tích đã trồng tại xã Sen Thượng, những diện tích khác ở các xã: Leng Su Sìn, Chung Chải đang được Công ty Cổ phần Đầu tư & phát triển Mắc Ca Tây Bắc triển khai san ủi mặt bằng và tập kết cây để chuẩn bị trồng trước mùa mưa năm 2020. Mới đây, chính quyền huyện Mường Nhé đã tổ chức buổi làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư & phát triển Mắc Ca Tây Bắc; qua đó đã trao đổi, tháo gỡ thêm một số khó khăn cho Công ty để tiến độ trồng cây mắc ca được đảm bảo theo dự án.

Với sự tạo điều kiện của chính quyền huyện Mường Nhé, sự đồng thuận, nhất trí của nhân dân trên địa bàn, những khó khăn trong việc triển khai trồng cây mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé đã dần được tháo gỡ. Trong tương lai gần, những khoảnh đồi núi trọc ngày nào hứa hẹn sẽ trở thành rừng mắc ca xanh tốt. Ngoài mục đích giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, đó còn là giải pháp phủ xanh rừng, góp phần ổn định dân cư và nâng cao đời sống của người dân nơi cực Tây Tổ quốc.

Phương Liên

Back To Top