Video

Chuyện nghề của phóng viên miền núi

Chủ Nhật, 21/06/2020 00:44 Lượt xem: 11084 In bài viết

ĐBP - Một ngày mới bắt đầu, sau khi nhận lệnh công tác cơ sở, anh Mùa A Ký, Phó trưởng Phòng Phát thanh – Truyền hình dân tộc (Đài PT – TH tỉnh) lại cấp tập chuẩn bị cho một chuyến đi. Cũng giống như anh Ký, mỗi chuyến công tác cơ sở của cánh phóng viên nhà đài luôn lỉnh kỉnh đồ đạc. Hành trang mang theo ngoài đồ dùng cá nhân, thì máy móc, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp luôn là thứ được ưu tiên chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Do đặc thù công việc, mỗi tháng phóng viên truyền hình có bình quân 2 chuyến công tác cơ sở, mỗi chuyến như thế thường kéo dài cả tuần, và phương tiện di chuyển chủ yếu vẫn là tự túc bằng xe máy. Trong khi đó, đa phần địa bàn tác nghiệp đều ở vùng sâu, vùng xa khó khăn của tỉnh. Chỉ riêng việc để đến được nơi tác nghiệp, đôi lúc đã mất cả ngày trời. Thế nhưng, bằng tình yêu, tinh thần trách nhiệm với nghề, họ đã biến những rào cản đó trở thành động lực, để phục vụ tốt nhất cho dòng chảy thông tin mỗi ngày trên sóng.

Làm báo vốn dĩ đã vất vả, với phóng viên công tác ở các cơ quan báo chí địa phương như Điện Biên, khó khăn lại nhân lên gấp bội. Phía sau mỗi tác phẩm báo chí luôn là cả một hành trình gian nan. Đối với phóng viên Báo Điện Biên Phủ, hành trang có vẻ bớt “cồng kềnh” hơn phóng viên nhà đài, thế nhưng những thách thức nghề nghiệp thì vẫn luôn thường trực. Bên cạnh những mối nguy hiểm rình rập, như: Sạt lở, bão lũ, nhất là vào mùa mưa, là nỗi trăn trở với mỗi vấn đề hay vùng đất, con người ở cơ sở. Đôi lúc, đòi hỏi không chỉ lòng yêu nghề, đạo đức, tinh thần trách nhiệm mà cả sự nhạy bén. Để rồi, sau mỗi chuyến đi, thành quả họ mang về là những câu chuyện, tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống. Và hơn thế nữa, là thông tin vẫn luôn đảm bảo tính thời sự trong thời cuộc cạnh tranh thông tin.

Phóng viên cơ quan báo, đài địa phương đã khó, làm phóng viên thường trú ở miền núi lại càng khó hơn. Bởi nhân lực mỏng, song phải chịu trách nhiệm với khối lượng thông tin và địa bàn rất lớn, áp lực công việc cao. Đa phần các chuyến đi đều phải tự túc và dài ngày. Thế nhưng, cũng như tất cả đồng nghiệp ở địa phương, họ luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, đương đầu thử thách, với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước mỗi thông tin, cũng như bạn đọc của mình. Và sau mỗi chuyến đi, mỗi bài báo, là những câu chuyện đáng nhớ với nghề.

Điện Biên là tỉnh biên giới, miền núi đặc biệt khó khăn. Song, với sự phát triển mạnh mẽ của thông tin những năm gần đây, hiện nay ngoài 2 cơ quan báo chí địa phương là Báo Điện Biên Phủ và Đài PT – TH tỉnh, thì tại Điện Biên đã có nhiều hơn các cơ quan báo chí Trung ương thường trú, như: Thông Tấn xã Việt Nam, VOV, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Tài nguyên Môi trường… Cùng với đó là đội ngũ nhà báo, phóng viên, người làm báo ngày một lớn mạnh, đã góp phần làm lớn mạnh thêm nền báo chí cách mạng tỉnh nhà, đồng hành cùng với địa phương trong quá trình hội nhập và phát triển.

Vượt qua thách thức của những cung đường đèo dốc, lầy lội; đương đầu với khó khăn đặc thù của vùng cao, những chuyến đi của phóng viên miền núi là hành trình của đam mê đi cùng với trách nhiệm. Và khi trách nhiệm ấy được đề cao, thì mọi khó khăn đều trở nên vô nghĩa, để mỗi chuyến đi luôn đầy ắp những điều thú vị và mang lại nhiều giá trị nhân văn cho cuộc sống.

Hà Linh – Minh Thảo

Back To Top