Video

Ám ảnh nỗi đau da cam

Thứ Tư, 05/08/2020 16:00 Lượt xem: 12356 In bài viết

ĐBP - Dù đã 38 tuổi nhưng anh Phan Văn Tuấn, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) - nạn nhân di chứng thứ 2 của chất độc màu da cam vẫn ngây ngô như một đứa trẻ. Đằng sau ánh mắt khờ dại của người đàn ông này là tội ác do chiến tranh hóa học của Mỹ để lại. Và bố anh - người lính chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng mất từ năm 2009 do chất độc này gây ra.

Gần 40 năm qua, cuộc sống của anh Tuấn chỉ lê lết trên giường bệnh; mọi sinh hoạt, ăn uống phải có người giúp đỡ. Không thể tự chăm sóc được bản thân nên hơn chục năm nay, anh Tuấn đã được anh trai và chị dâu đón về sinh sống ở tổ dân phố 2, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Hàng ngày, anh Tuấn chỉ loanh quanh với khoảnh sân này. Dù đã “kín cổng, cao tường” nhưng chỉ cần chút lơ là, anh Tuấn lập tức bỏ trốn ra ngoài. Vì không ít lần phải lặn lội đi tìm em nên giờ đây, vợ chồng chị Lương Thị Mai (chị dâu anh Phan Văn Tuấn) luôn phải có người túc trực ở nhà. Mỗi khi chồng đi làm, người chị dâu này lại ở nhà thay chồng chăm sóc cho cậu em lúc nào cũng ngơ ngẩn như một đứa trẻ.

Hơn 30 năm qua, không quản sớm khuya, ông Phạm Mạnh Toàn (SN 1945), thôn Đại Thanh, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) vẫn cùng vợ cặm cụi chăm sóc cho người con trai bị chất độc da cam là anh Phạm Mạnh Tuấn (SN 1987). Anh Tuấn bị thần kinh kích động do ảnh hưởng của chất độc hoá học từ bố khi còn tham gia chiến trường Quảng Trị. Mang trên mình vết thương chiến tranh, nghĩ rằng mình còn sống sót trở về đã là điều may mắn hơn những đồng đội khác nằm lại ở chiến trường. Năm 1978, gia đình ông Toàn rời quê hương Thái Bình tình nguyện lên xây dựng kinh tế mới ở tỉnh Điện Biên. Khi trở về đời thường, lập gia đình và sinh con, vợ chồng ông phải chịu đựng nỗi đau quá lớn; đến nay hai người con gái đầu thì một người bị thần kinh, một người bị ung thư. Còn con trai út là anh Tuấn cũng đang quằn quại trong nỗi đau đớn thể xác và tinh thần. Ở cái tuổi gần đất xa trời, lẽ ra sẽ được hưởng phúc an nhàn bên con cháu thì vợ chồng ông Toàn lại phải trăn trở một điều rằng, nếu lỡ sau này cả 2 ông bà mất đi, đứa con tội nghiệp sẽ không có ai cưu mang, nuôi dưỡng.

Căn nhà cấp 4 xuống cấp nghiêm trọng, tường vôi lở loác, mái ngói tiêu điều này là của gia đình ông Nguyễn Văn Huyễn (SN 1933), thôn Đại Thanh, xã Noong Luống. Trong nhà, không có bất cứ một thứ tài sản gì có giá, ngoài những bức ảnh chụp kỷ niệm với đồng chí, đồng đội. Nhập ngũ năm 1969, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị là vùng trọng điểm rải chất độc hóa học của quân đội Mỹ nên những đứa con của ông lần lượt sinh ra đều bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin, khiến hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.

Theo thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 236 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đang hưởng trợ cấp hàng tháng; trong đó có 188 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 48 người là con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam. Di chứng nặng nề của chất độc dioxin đã đè nặng lên các gia đình có thành viên phơi nhiễm loại chất độc này. Còn gì đau đớn hơn khi những người cha, người mẹ phải chứng kiến con mình trong hình hài dị dạng, khiếm khuyết trí tuệ. Để phần nào xoa dịu nỗi đau ấy, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành đã luôn quan tâm, ân cần thăm hỏi và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực đối với những nạn nhân bị nhiễm thứ chất độc quái ác này.

Cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ đã lùi vào quá khứ, nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn ngày đêm đè nặng, tàn phá nhiều gia đình ở tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung. Biết bao thế hệ kể từ ngày đầu của cuộc chiến tranh tàn khốc đó, đến nay vẫn phải đối mặt với những cảnh tượng đau lòng, với những đứa con dị tật, khiếm khuyết. Và càng không thể cầm lòng khi những ông bố, bà mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam trải lòng về việc họ sẽ ngày một yếu đi, số phận những người con dị tật sẽ thế nào? Đó là nỗi niềm trăn trở của không ít bậc cha mẹ có con nhiễm chất độc hoá học và cũng không biết đến bao giờ nỗi ám ảnh mang tên “chất độc da cam/dioxin” mới nguôi ngoai trong tâm trí mỗi người dân đất Việt.

Phạm Quang

Back To Top