Video

Băn khoăn hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo

Thứ Hai, 21/09/2020 18:29 Lượt xem: 14061 In bài viết

ĐBP -Thực hiện Dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế (Chương trình 135), một số hộ nghèo, cận nghèo bản Cộng, xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) được hỗ trợ 1 con bò giống để phát triển kinh tế và để được nhận bò, mỗi hộ phải nộp số tiền đối ứng 5 triệu đồng nữa. Tuy nhiên, sau khi nhận bò vào ngày 16/9 vừa qua, nhiều hộ ở bản Cộng khá băn khoăn, bức xúc vì bò giống gầy hoặc bé, không đảm bảo chất lượng.

Gia đình ông Lò Văn Thái, bản Cộng, xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) đã nhận bò giống hỗ trợ vào ngày 16/9. Có thể nói con bò là “chiếc cần câu” để giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế, nhưng khi nhận bò, ông Thái khá bức xúc vì bò không chỉ gầy mà còn bỏ ăn, đi ngoài.

Gia đình bà Lò Thị Pọm cùng ở bản Cộng cũng được hỗ trợ 1 con bò sinh sản theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020. Để được hỗ trợ bò sinh sản, bà Pọm phải vay người thân 5 triệu đồng nộp đối ứng mới có được con bò này. Trong khi đó, bà Pọm cho biết, cách đây không lâu, con gái bà cũng bán con bò có kích thước tương đương với con bò gia đình nhận hỗ trợ mà chỉ có 12 triệu đồng. Điều đó khiến bà Pọm vừa xót số tiền đã bỏ ra đối ứng, vừa lo lắng không biết khi nào mới đủ tiền để trả nợ khi chấp nhận lấy bò.

Trong danh sách hỗ trợ bò sinh sản theo Chương trình 135, bản Cộng được hỗ trợ 27 con bò sinh sản cho 27 hộ nghèo và cận nghèo. Ngày 16/9 vừa qua, 25 gia đình trong bản đã nhận bò còn 2 gia đình không nhận vì chất lượng bò chưa đảm bảo. Được hỗ trợ bò sinh sản, các hộ nghèo, cận nghèo trong bản rất phấn khởi nhưng nhiều người vẫn băn khoăn vì bò có khối lượng, kích thước khác nhau mà tất cả các gia đình đều phải đối ứng 5 triệu đồng. Gia đình anh Lò Văn Thươi được hỗ trợ con bò bé nhất trong số 25 con bò người dân đã nhận, nhưng cũng phải đối ứng 5 triệu đồng mới đủ điều kiện để được cấp bò giống. Điều đó khiến anh Thươi không đồng tình.

Người dân bản Cộng còn thắc mắc, khi nhận bò thì thấy con bò có kích thước, cân nặng không tương xứng với số tiền được hỗ trợ và tiền đối ứng mà họ bỏ ra nên yêu cầu đổi con bò khác, nhưng đơn vị cung ứng và chính quyền xã  đã không chấp thuận. Mặc dù trước đó, khi tuyên truyền chính quyền hứa hẹn với người dân, nếu hộ nào chưa “ưng” về chất lượng, kích thước, cân nặng của bò giống thì có thể đổi con khác.

Thời điểm chúng tôi đến bản Cộng xác minh và tìm hiểu về chất lượng bò hỗ trợ, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cũng đã đến bản kiểm tra và đánh giá chất lượng bò giống hỗ trợ cho dân.

Ngoài chất lượng con giống thì số tiền đối ứng mà mỗi hộ phải nộp đều là 5 triệu đồng trong khi kích cỡ, khối lượng bò khác nhau cũng là vấn đề bà con băn khoăn, bức xúc. Mức tiền đối ứng của mỗi gia đình phụ thuộc vào khối lượng bò; nếu vượt quá khối lượng được hỗ trợ (120kg) càng nhiều thì phải đối ứng nhiều, ít thì đối ứng ít hơn và không có chuyện đánh đồng mức tiền đối ứng 5 triệu đồng. Để rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo xã Chiềng Đông.

Như lãnh đạo xã Chiềng Đông lý giải, bò giống được hỗ trợ bé hơn sẽ được trả lại một phần tiền nhưng trong danh sách của bản Cộng, hộ nào được trả lại cũng chỉ vài chục nghìn đồng. Ngoài ra, lãnh đạo UBND xã Chiềng Đông khẳng định, mức tiền đối ứng 5 triệu đồng là có sự đồng ý, chấp thuận của người dân sau khi họp bản. Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo khẳng định không có quy định nào về việc các hộ được hưởng hỗ trợ bò sinh sản phải đối ứng đồng đều 5 triệu đồng/hộ.

Hầu hết người dân bản Cộng đều cho rằng, bò giống giao cho họ có giá quá cao cho dù đã qua tay nhà cung ứng, qua kiểm dịch, tiêm phòng thì giá thành vẫn cao hơn giá thị trường. Với mức giá đó, lẽ ra đơn vị cung ứng phải mang đến cho họ con giống tốt, khỏe mạnh và không bị dịch bệnh. Nhưng thực tế, ở bản Cộng, xã Chiềng Đông, đơn vị cung ứng bò là Công ty TNHH Trường Anh, tổ dân phố 7, phường Tân Thanh (TP Điện Biên Phủ) lại giao cho người dân một số con giống chưa đảm bảo chất lượng.

Việc hỗ trợ bò sinh sản cho người dân để thoát nghèo là chủ trương đúng đắn và rất ý nghĩa, nhưng với cách làm như ở bản Cộng, xã Chiềng Đông thì không thể tránh khỏi những băn khoăn từ phía người dân. Vụ việc này dù chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, song cũng gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng việc thực hiện chủ trương, chính sách của  Nhà nước về an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.  

Phạm Quang - Mai Giáp

Back To Top