Video

Nghĩa tình thầy trò vùng cao

Thứ Sáu, 20/11/2020 08:28 Lượt xem: 13445 In bài viết

ĐBP - Cầm tay từng học sinh, uốn nắn cho các em từng nét chữ, cứ như thế, cô giáo Lường Thị Thảnh, Trường PTDTBT Tiểu học Sa Lông (huyện Mường Chà) đã gắn bó với trẻ em ở bản Thèn Pả, xã Sa Lông gần 3 năm nay.

Cô Thảnh được phân công dạy các em lớp 1 ở Điểm trường Tiểu học Thèn Pả. Đây là điểm trường xa xôi nhất của Trường PTDTBT Tiểu học Sa Lông nên cô giáo Thảnh phải ở lại điểm trường để chăm lo cho học sinh. Điểm trường Thèn Pả có 2 khối lớp 1 và 2, với khoảng 40 học sinh, nhưng vất vả nhất là dạy các em lớp 1, vì hầu hết các em đều chưa hiểu tiếng phổ thông. Để dạy cho các em hiểu bài, cô giáo Thảnh không chỉ sử dụng lời nói mà bằng cả ngôn ngữ cơ thể với những cử chỉ, hành động cụ thể diễn giải nội dung bài học. Khó khăn, vất vả là thế nhưng cô giáo Thảnh và các giáo viên ở điểm bản Thèn Pả chưa bao giờ chùn bước, mà luôn cố gắng, nỗ lực tận tụy gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao, dạy từ tiếng nói, uốn từng nét chữ cho học sinh trong bản.

Còn ở Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ngám, xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), mấy ngày nay, thầy giáo Đinh Văn Liễu, Hiệu trưởng nhà trường cùng với thầy, cô trong Ban Giám hiệu luôn sốt sắng vì trong trường có một số học sinh mắc thủy đậu. Việc học sinh bị thủy đậu trong trường không phải hiếm, song với tình yêu, sự quan tâm đến con trẻ, các thầy cô giáo thường xuyên đến thăm hỏi, động viên để các em mau bình phục và tiếp tục lên lớp.

Được sống trong môi trường bán trú, với sự chăm sóc của các thầy cô giáo đã phần nào giúp các em nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và tập trung cho việc học. Năm nay là năm thứ ba em Hạng Thị Lan, lớp 5B1, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ngám được sinh sống, học tập trong môi trường bán trú. Nhớ ngày nào, Lan còn bỡ ngỡ với ngôi trường, với thầy cô, thì nay em đã coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình và các thầy cô giáo như những người cha, người mẹ giúp Lan thêm yên tâm học tập.

Nhà ở bản Pu Nhi A cách trường cũng khá xa nên từ những năm học cấp 1 đến nay, em Sùng Thị Ly, lớp 8C3, Trường PTDTBT THCS Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) đã được ăn ở trong trường bán trú. Với Ly, trong môi trường bán trú, em luôn nhận được sự thương yêu của các thầy, cô giáo; thầy cô quan tâm, gần gũi, chăm sóc học sinh như những đứa con trong gia đình; đó là động lực giúp em cố gắng vươn lên trong học tập.

Với tấm lòng biết ơn gửi tới thầy cô, hơn nửa tháng nay, học sinh Trường PTDTBT THCS Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) đã tranh thủ thời gian rảnh, tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ dành tặng đến thầy, cô giáo. Để bày tỏ sự tri ân với các thầy cô, em Tòng Thị Quyên, lớp 8C1, Trường PTDTBT THCS Pú Nhi cũng như các bạn trong đội văn nghệ rất phấn khởi và háo hức chờ đến ngày 20/11 để mang lời ca, tiếng hát gửi tặng thầy cô - những người không quản ngại khó khăn đem con chữ đến với vùng cao. 

Để trẻ em vùng cao đến trường, đến lớp theo học con chữ, nhiều giáo viên phải tạm xa gia đình đến dạy học ở tận những bản làng heo hút. Dù nơi ấy là vùng đất khô cằn, thời tiết khắc nghiệt hay phải vượt đèo, lội suối, thì các thầy cô giáo vẫn luôn nỗ lực không mệt mỏi để đem con chữ đến với các em. Với giáo viên ở vùng cao, hiếm khi nhận được những món quà giá trị hay bó hoa rực rỡ trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhưng bù lại, sự chuyên cần, tiến bộ, vươn lên trong học tập của các em học sinh chính là món quà vô giá với những người chèo lái “con đò tri thức” ở nơi đây.

Phạm Quang

Back To Top