Video

Kết nối sản phẩm OCOP với người tiêu dùng

Thứ Sáu, 04/12/2020 08:37 Lượt xem: 14721 In bài viết

ĐBP - Để quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, tỉnh Điện Biên đã đưa sản phẩm trưng bày tại các siêu thị để giới thiệu đến người tiêu dùng. Đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, HTX… đưa nhiều sản phẩm đến siêu thị để gian hàng thêm phong phú, đa dạng; qua đó tăng hiệu quả xúc tiến thương mại.

Đây là những sản phẩm được trưng bày tại gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại Siêu thị Hoa Ba. Với mục đích từng bước khẳng định chỗ đứng sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) đã phối hợp với Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại Hoa Ba trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản của tỉnh với khách hàng. Ðến nay, gian hàng đã có trên 50 sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại siêu thị.

Nếu như trước đây, các sản phẩm địa phương hầu như chỉ dừng lại ở sự “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp và chỉ tiêu thụ ở mức độ khiêm tốn thì hiện nay, nhiều sản phẩm sau khi được xếp hạng sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng biết đến và dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Dù mới thành lập năm 2016, song HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (huyện Điện Biên) đã sản xuất gạo theo quy trình đồng bộ, có kiểm soát, áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGap. HTX đã đưa ra thị trường thương hiệu “Gạo Tâm sáng”; qua đó nâng tầm vị thế gạo Điện Biên - sản phẩm mang thương hiệu OCOP của tỉnh đến với thị trường. Nhằm kết nối sản phẩm với người tiêu dùng, HTX còn phát triển, sản xuất thêm nhiều loại gạo có thiên hướng thảo dược để giới thiệu, quảng bá ra thị trường.

Hiện nay, những sản phẩm mật ong của HTX Ong mật Điện Biên cũng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Để khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường, HTX Ong mật Điện Biên đã tính toán quy trình sản xuất, phát triển một số sản phẩm một cách bài bản; đồng thời áp dụng khoanh vùng nuôi ổn định để cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn. Bên cạnh đó, HTX còn tìm tòi, nghiên cứu chế biến thành nhiều dòng sản phẩm khác nhau, đóng gói bao bì bắt mắt để nâng cao giá trị sản phẩm.

Có thể thấy, thời gian qua, các sản phẩm OCOP tiêu biểu của các địa phương bước đầu đã mang lại lợi ích cho cộng đồng. Sau 2 năm (2018 - 2019) triển khai thực hiện, ngành Nông nghiệp đã xác định được 26 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; đây là một trong những điểm nhấn nhằm thúc đẩy sản xuất gắn với tái cơ cấu nghành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, ngành Nông nghiệp đã triển khai và cơ bản xác định thêm 25 sản phẩm của các địa phương để trình HĐND tỉnh phê duyệt và hướng tới phát triển sản phẩm nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, như: Chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và chủ yếu được bán thô hoặc sơ chế; cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, chưa có hệ thống quản lý chất lượng đầy đủ, kênh phân phối riêng, hoạt động quảng bá còn hạn chế… nên chưa tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Xác định phát triển các sản phẩm chủ lực là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở mỗi địa phương, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP; khuyến khích đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương. Cùng với đó nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn ở các thị trường khác nhau, đặc biệt là đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, trung tâm thương mại... và cơ sở sản xuất.

Điện Biên là tỉnh nông nghiệp với tiềm năng, thế mạnh về các sản phẩm lợi thế, đặc trưng, như: Chè Tủa Chùa, gạo Điện Biên, dệt thổ cẩm, mây tre đan, cà phê Mường Ảng… Để những đặc sản, sản phẩm đó của tỉnh đến với người tiêu dùng, Chương trình OCOP đã và đang giúp khai thác hiệu quả thế mạnh của các địa phương. Việc đầy mạnh sản xuất, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh phân bố rộng rãi trên thị trường đã và đang từng bước kết nối các đặc sản của địa phướng với người tiêu dùng; tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

Phạm Quang

Back To Top