Video

Diện mạo mới trên chiến trường lịch sử

Thứ Sáu, 07/05/2021 16:32 Lượt xem: 7411 In bài viết

ĐBP - Điện Biên Phủ - chiến trường khốc liệt năm xưa, nơi vẫn còn đó những chứng tích của một cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp xâm lược. Đó là Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ với các di tích nổi bật, như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm Đờ Cát), Tượng đài Chiến thắng... Những di tích lịch sử vẫn còn đó nhưng chiến trường Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa với những hố bom, những giao thông hào nay đã nhường chỗ cho một thành phố hiện đại, với cánh đồng lúa mênh mông bát ngát, những ngôi nhà cao tầng và từng nếp nhà sàn ngói đỏ khang trang.

Những ngày tháng 5 lịch sử, nhiều đoàn khách đổ về TP. Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021). Có người đến với mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử để tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giành độc lập tự do cho dân tộc; có người dẫn con cháu đến đây giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Đối với gia đình chị Trần Thị Hằng, du khách đến từ TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, những năm gần đây, năm nào cả nhà cũng cùng nhau lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa – nơi mà người bác trong gia đình đã mãi mãi nằm lại. Nơi đây được coi như một “địa chỉ đỏ” để năm nào gia đình chị Hằng cũng đến thắp nén hương thơm tri ân các anh hùng liệt sĩ. Dù lên Điện Biên rất nhiều lần nhưng chị Hằng vẫn ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt” của mảnh đất lịch sử này.

Là cô giáo giảng dạy môn văn và lịch sử ở Trường THCS Phú Lương, quận Hà Đông (TP. Hà Nội), chị Trịnh Thị Hạnh chỉ biết đến Điện Biên Phủ qua những trang sử. Và trong những ngày tháng 5 lịch sử này, chị Hạnh có dịp lên thăm Chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. 67 năm qua, những vết tích trên chiến trường vẫn còn đó, nhưng khung cảnh đổi thay của một thành phố trẻ đang vươn mình phát triển đã để lại cho chị Hạnh nhiều cảm xúc và ấn tượng.

Chiến trường Điện Biên Phủ bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngổn ngang vũ khí và bom đạn hậu chiến tranh sau ngày 7/5/1954. Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã vượt qua những thách thức, tập trung xây dựng Điện Biên ngày càng giàu đẹp với đà tăng trưởng kinh tế khá và ổn định. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có gần 40 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt gần 20 triệu đồng/người/năm; ước tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 30,67%, bình quân giảm 3,49%/năm…

Chiến trường lịch sử năm xưa càng đổi mới, khang trang hơn khi tỉnh Điện Biên đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Trong đó Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Ðiện Biên; Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ; một số dự án quy hoạch và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội tại TP. Ðiện Biên Phủ và các dự án giao thông kết nối các địa phương đang tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới, vừa hiện đại mà vẫn bảo tồn những nét văn hóa, lịch sử cho Điện Biên Phủ hôm nay.

Đến thành phố Điện Biên Phủ những ngày này, cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay khắp phố phường, trong không khí rộn ràng của những ngày tháng 5 lịch sử. Những hiện hữu về sự đổi thay nhanh chóng của thành phố Điện Biên Phủ nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung hôm nay là minh chứng chân thực, rõ nét nhất cho sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc nơi đây; sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên trong suốt những năm qua.

Phạm Quang

Back To Top