Video

Hiệu quả các đề tài, dự án khoa học và công nghệ

Thứ Bảy, 31/07/2021 12:57 Lượt xem: 9864 In bài viết

ĐBP - Việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH & CN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại những kết quả nhất định. Những sản phẩm, công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao xuất phát từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất… giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Dự án Xây dựng mô hình nuôi gà J- Dabaco trên đệm lót sinh học đã kết thúc từ năm 2020, nhưng hiện nay, gia đình ông Vũ Quang Vỡi, tổ dân phố 2, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ vẫn duy trì thực hiện mô hình. Để có những con gà khỏe mạnh, kháng bệnh, ông Vỡi đã được các cán bộ thực hiện dự án hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi. 2 năm nay, khu vườn của gia đình ông lúc nào cũng duy trì từ 100 - 150 con gà J- Dabaco để cung cấp thịt, trứng phục vụ cuộc sống gia đình. Nhận thấy những ưu điểm khi ứng dụng KH & CN của dự án vào thực tiễn, ông Vỡi còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con hàng xóm để nhân rộng mô hình nuôi giống gà này nhằm phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

Dự án Xây dựng mô hình nuôi gà J- Dabaco trên đệm lót sinh học do Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020. Đây là dự án đưa giống gà mới, giống lai tạo với gà Ri truyền thống nhưng có chất lượng thịt thơm ngon và năng suất cao hơn. Dự án còn ứng dụng công nghệ lên men của vi sinh vật sống làm đệm lót của nền chuồng nhằm làm giảm khí độc và mùi hôi; tạo môi trường trong sạch, giảm thiểu các vi sinh vật có hại và gây bệnh cho vật nuôi. Tuy dự án đã kết thúc, song những tiến bộ về kỹ thuật đã được chuyển giao cho nhân dân trong tỉnh và duy trì, nhân rộng mô hình cho một số hộ chăn nuôi trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Với diện tích hơn 2.000m2, ao nuôi cá rô phi đơn tính thuộc Dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi cá rô phi đơn tính siêu thâm canh bằng công nghệ Biofloc tại tỉnh Điện Biên” do Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh thực hiện. Dự án có quy mô triển khai 4.400m2 thực hiện trong 24 tháng (2020 - 2022) và hiện đang là vụ nuôi cá thứ 2. Những con cá rô phi đơn tính được nuôi bằng công nghệ Biofloc sẽ vừa tiết kiệm nước, vừa đem lại năng suất hiệu quả cao hơn phương pháp truyền thống và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với công nghệ này, chất thải hữu cơ sẽ được xử lý thành nguồn prôtêin có chất lượng dinh dưỡng cao, trở thành thức ăn giàu đạm cho rô phi nên quá trình nuôi không cần thay nước thường xuyên, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cá.

Những đề tài, dự án nghiên cứu KH & CN đã có những đóng góp đáng kể vào đời sống và sản xuất, là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện 136 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong đó có 69 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh; 14 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia; 53 mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất thuộc nhiệm vụ KHCN cấp huyện.

Là tỉnh nông nghiệp nên gần 70% đề tài, dự án về KHCN nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp; còn lại trên 30% thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác, như: Y tế, giáo dục, an ninh - quốc phòng… Nhiều đề tài, dự án có hiệu quả được chuyển giao kỹ thuật, áp dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất, canh tác; góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương.

Triển khai nghiên cứu, ứng dụng KH & CN vào sản xuất là hướng đi đúng nhằm tăng năng suất và giá trị sản phẩm. Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số đề tài, dự án nghiên cứu KH & CN đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc ứng dụng hiệu quả những tiến bộ KH & CN, áp dụng chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi mới cũng như thay đổi phương thức canh tác đã tạo ra những chuyển biến trong sản xuất, tăng năng suất, thu nhập và cải thiện cuộc sống; thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

Phạm Quang

Back To Top