Video

Sẵn sàng ứng phó giảm nhẹ thiệt hại thiên tai

Thứ Bảy, 14/08/2021 18:30 Lượt xem: 12672 In bài viết

ĐBP - Bước vào mùa mưa năm nay, một số địa phương trong tỉnh đã phải gánh chịu hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Lũ lụt, sạt lở đất… gây thiệt hại không nhỏ về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Để chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các địa phương đã tăng cường giải pháp, xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Sau những trận mưa lớn, phần đất sau ngôi nhà của anh Sùng A Giàng, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đã bắt đầu sạt lở, khiến ngôi nhà đứng trước nguy cơ trượt sạt xuống suối. Trước tình hình đó, được sự tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng và sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Giàng đã sẵn sàng các phương án để nhanh chóng di chuyển tài sản và người thân đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn hơn.

Tại huyện Mường Nhé, nhiều hộ dân sống tập trung ở gần suối và sườn đồi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có mưa lớn. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, cơ quan chức năng huyện đã tiến hành rà soát các điểm xung yếu, vận động bà con trong khu vực có nguy cơ chủ động di dời nhằm đảm bảo an toàn.

Một số xã trên địa bàn huyện Tuần Giáo có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe suối chảy qua, nên khi có mưa kéo dài rất dễ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, gây nguy hiểm cho người dân. Trước tình hình diễn biến phức tạp, bất thường của thiên tai, huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các xã kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Chỉ đạo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN). Tăng cường kiểm tra các phương án phòng, chống thiên tai để có các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình của từng địa bàn khi có thiên tai xảy ra; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai cho người dân, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại khi có mưa lũ.

Thời gian qua, các cấp, ngành địa phương trong tỉnh đã chủ động trong việc PCTT và TKCN; trong đó đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; xây dựng phương án phòng chống mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ); tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, suối và di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn… Sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của chính quyền địa phương đã góp phần quan trọng vào việc hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất, tạo sự yên tâm cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh khi mưa bão xảy ra.

Quang Hưng

Back To Top