Video

Khó xử lý triệt để ô nhiễm từ sơ chế dong riềng

Thứ Hai, 15/11/2021 18:59 Lượt xem: 14989 In bài viết

ĐBP - Đây là ao chứa nước thải, bã thải của một cơ sở sơ chế tinh bột dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ. Việc đào ao chứa nước thải chỉ là giải pháp tạm thời, hạn chế phần nào mức độ ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế tinh bột dong riềng gây ra. Các cơ sở sơ chế tinh bột dong riềng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tuy nhiên đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa thể xử lý triệt để.

Dù mới bắt tay vào sơ chế dong riềng khoảng 1 tháng nay nhưng 2 ao chứa của gia đình anh Lò Văn Tâm, bản Tà Cáng, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) đã gần đầy bã và nước thải. Hàng năm vào mùa chế biến dong riềng, cơ sở này tiến hành sơ chế khoảng 2.000 tấn củ. Để chế biến 1 tấn củ dong riềng thường sử dụng khoảng 3 - 4m³ nước và cuối cùng tỷ lệ tinh bột thu được chỉ khoảng 15%, còn lại 85% là bã và nước thải. Với khối lượng nước và bã thải lớn như vậy, việc ảnh hưởng đến môi trường là điều khó tránh khỏi. Nà Tấu là địa bàn tập trung khá nhiều cơ sở thu mua và sơ chế dong riềng nên vào vụ thu hoạch, các cơ sở hoạt động xả thải khiến môi trường bị ảnh hưởng.

Mặc dù cơ sở sơ chế tinh bột dong riềng của anh Lò Văn Tâm đã đào ao chứa nước thải và bã dong riềng thay vì xả trực tiếp ra sông, suối; nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, phần nào hạn chế những ảnh hưởng đến môi trường, còn việc xử lý triệt để ô nhiễm vẫn rất khó.

Nước thải, chất thải trong quá trình sản xuất, chế biến dong riềng cũng được cơ sở thu mua và sản xuất tinh bột dong riềng của gia đình anh Phạm Duy Hưng, bản Trung Tâm, xã Nà Tấu thực hiện theo vòng ziczac lần lượt qua từng ao chứa nhằm tạo sự lắng đọng, đem lại hiệu quả trong xử lý chất thải,   hạn chế tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ hạn chế được phần nào mức độ ô nhiễm môi trường, bởi khối lượng nước, chất thải trong sơ chế dong riềng quá lớn. Nếu đầu tư một hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo đúng quy định rất tốn kém, hầu hết các cơ sở đều không đủ nguồn lực để đầu tư. Trong khi đó, hoạt động chế biến tinh bột dong riềng diễn ra theo mùa vụ, tập trung trong khoảng 2 tháng. Bởi vậy giải pháp được hầu hết các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu lựa chọn đó là đào ao chứa tạm để nước và bã thải lắng đọng dần rồi xả trực tiếp ra ngoài môi trường.

Nà Tấu hiện có 8 cơ sở sơ chế tinh bột dong riềng đang hoạt động, trung bình mỗi ngày chế biến từ 120 - 150 tấn củ dong riềng tươi với một lượng bã, nước thải khá lớn. Vì lẽ đó, để hạn chế tác động tiêu cực do hoạt động chế biến tinh bột dong riềng đến môi trường, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động và yêu cầu các cơ sở ký cam kết về bảo vệ môi trường, UBND xã Nà Tấu còn cử cán bộ thường xuyên xuống địa bàn kiểm tra, nhắc nhở các gia đình, cơ sở thực hiện đúng theo cam kết…

Củ dong riềng đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn xã Nà Tấu. Nhìn về góc độ kinh tế thì cơ sở sản xuất dong riềng là nơi thu mua và tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập cho người dân thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, hoạt động sơ chế dong riềng lại tác động không nhỏ đến môi trường. Nước thải do hoạt động sơ chế tinh bột dong riềng chảy ra suối Nậm Rốm dù đã để lắng đọng qua các ao chứa nhưng vấn khiến dòng nước chuyển màu đen kịt, bã bọt dong riềng kết váng nổi khắp mặt nước, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Điều này không chỉ tác động xấu đến sức khỏe người dân sinh sống gần suối mà còn ảnh hưởng đến sản xuất, bởi đây là nguồn cung ứng nước tưới cho hầu hết đồng ruộng, ao nuôi thủy sản của người dân. Vì lẽ đó, năm nào dân ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm cũng có ý kiến với chính quyền để có hướng xử lý, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tái diễn, khiến bà con khá bức xúc.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chế biến dong riềng gây ra, bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, các chủ cơ sở sản xuất chế biến dong riềng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất. Đồng thời cần đầu tư, mở rộng thêm nhiều ao chứa để xử lý nước thải trước khi xả ra tự nhiên. Đừng vì chạy theo thu nhập mà để xảy ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân; có như vậy việc chế biến dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu nói riêng và toàn tỉnh nói chung mới phát triển bền vững.

Thu Hằng – Phạm Quang

Back To Top