Video

Cần một dự án bảo tồn

Thứ Sáu, 30/01/2015 00:00 Lượt xem: 1560 In bài viết
800x600 Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4 /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman","serif";} ĐBP - Xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa xưa kia là thủ phủ của người dân tộc Phù Lá (hay còn gọi là Xa Phó) - dân tộc ít người nhưng có nhiều nét văn hóa độc đáo. Đặt chân đến đây trong chuyến du ngoạn đầu năm, chúng tôi nhìn thấy những bản làng trù phú, yên bình nhưng bên cạnh đó là một câu chuyện buồn trĩu nặng về nguy cơ đang mất dần nền văn hóa của một dân tộc do quá trình đồng hóa, hội nhập với các dân tộc khác sinh sống lân cận.

Ở Điện Biên, người Phù Lá có số hộ và số khẩu thấp hơn nhiều so với các dân tộc khác. Họ có nghề làm mây tre đan truyền thống với nhiều sản phẩm dùng trong sinh hoạt hàng ngày, có các hoa văn, hoạt tiết cầu kỳ và đẹp mắt; có trang phục dân tộc độc đáo với đường thêu tinh tế, vừa mang nét đẹp cổ truyền và cũng khá hiện đại. Bên cạnh đó, các tục lệ cưới hỏi, ma chay và cúng tế như: Tết Đoan Ngọ (5/5), Lễ Cơm mới (tháng 9 âm lịch), Cúng Gọi hồn, Cúng chữa bệnh, Lên nhà mới… đã tạo nên sự riêng biệt, độc đáo cho người dân tộc Phù Lá tại Điện Biên.

Tuy vậy, theo thống kê của UBND xã Mường Đun, những năm gần đây, số hộ người Phù Lá ngày càng giảm nhanh chóng. Chỉ tính riêng từ năm 2012, số hộ chiếm 5% dân số toàn xã; tới hết năm 2014 chỉ còn 1,3 %, tương ứng với 22 hộ và 111 nhân khẩu, sống rải rác ở bản Túc và bản Kép cùng với dân tộc Thái.

Từ ngày nhận công tác với chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Mường Đun phụ trách mảng văn hóa – xã hội, chị Hoàng Thị Bích đã tìm hiểu và thấy lo ngại trước sự mai một nhanh chóng của dân tộc Phù Lá khi mà những nét văn hóa về trang phục, lễ mùa, cầu cúng, tiếng nói và nghề thủ công của họ hiện ngày càng trở nên “khó tìm”.

Nếu không được các cán bộ xã dẫn vào tận nơi, chúng tôi không thể biết được ngôi nhà sàn nằm giữa bản Kép này của người Phù Lá sinh sống. Bản Kép có hơn 50 hộ thì chỉ có 9 hộ là người Phù Lá, còn lại là người dân tộc Thái. Chị Quàng Thị Hoan là người Phù Lá, lấy chồng người Thái. Từ lâu gia đình chị hầu như không sử dụng tiếng Phù Lá trong giao tiếp, nên giờ đây chị Hoan chỉ còn nhớ được rất ít tiếng dân tộc mình, còn các con của chị thì không đứa nào nói được tiếng Phù Lá.

Tìm mãi mới thấy bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Phù Lá cất trên gác, chị Hoan cho chúng tôi xem, đường nét hoa văn thêu tươi sáng, cầu kỳ trên nền áo đen. Bộ trang phục này đã được may hơn 7 năm rồi nhưng do ít mặc nên vẫn còn như mới. Theo chị Hoan, vì sinh sống chung với người Thái, nhiều người kết hôn với người Thái nên kể cả trong những dịp lễ, tết hay cưới hỏi thì người Phù Lá cũng không có ai mặc trang phục truyền thống. Giờ đây, họ không những ở nhà sàn theo phong cách người Thái mà thậm chí còn giao tiếp bằng tiếng Thái và mặc trang phục của người Thái.

Vợ chồng già làng Quàng A Che và Sùng Thị Phẹ có lẽ là hộ duy nhất trong bản Kép vẫn sử dụng tiếng Phù Lá trong giao tiếp hàng ngày và truyền dạy cho các con cháu ngôn ngữ dân tộc mình. Di chuyển từ xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) về đây sinh sống đã gần 50 năm, bây giờ hai ông bà đã ngoài 80 tuổi, nhưng họ vẫn ý thức được những bản sắc văn hóa của cội nguồn dân tộc mình. Riêng ông Che vẫn nhớ như in những lễ hội, lễ cúng thờ hay tục lệ cưới hỏi, ma chay của người Phù Lá. Kể cho chúng tôi nghe về lễ cưới của người Phù Lá xưa, ông Che mường tượng rõ nét tục hát đối đáp, tục co kéo cô dâu giữa nhà trai và nhà gái, tục vẩy nước tro làm trong lễ và bôi nhọ nồi lên mặt đoàn nhà trai trước khi ra về, tục lại mặt sau 12 ngày cưới... Vậy mà hơn 20 năm nay, ông không còn được chứng kiến các lễ tục truyền thống của dân tộc mình nữa. Các con cháu của ông Che chưa đứa nào được nhìn nhìn thấy các tục lệ đó bao giờ.

Ký ức của già làng người Phù Lá duy nhất trong bản đã giúp chúng tôi hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa, tục lệ của một dân tộc đã sinh sống hàng thập kỷ trên mảnh đất này, nhưng thật đáng tiếc, giờ đây những ký ức đó chỉ còn lại trong trí nhớ.

Tại bản Túc có một nửa là dân tộc Thái và một nửa là người Phù Lá, từ lâu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng hay các cuộc họp bản thì người Phù Lá và người Thái luôn dung hòa và vui vẻ như một dân tộc. Trong thời đại hội nhập cộng đồng hiện nay thì điều này rất đáng mừng. Song cũng từ ngày sinh sống hòa nhập, thì người Phù Lá dường như đang bị “đồng hóa” và dần mất đi phong tục truyền thống của dân tộc mình.

Chị Lý Thị Thương là người Phù Lá, không biết bài hát nào của dân tộc mình nhưng lại có thể hát những bài dân ca Thái chính xác từng câu. Trước kia, gia đình chị Thương và các hộ người Phù Lá ở đây sinh sống tập trung, phụ nữ thường trồng bông, kéo sợi bằng con trượt, nhuộm, dệt vải và tự may các trang phục truyền thống. Đàn ông thì làm đan lát mây tre, làm giỏ, gùi, coóng, mâm, nỏ... để sử dụng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày. Song hơn 15 năm trở về đây, đa số người Phù Lá trong bản kết hôn với người Thái nên dân cư bị phân tán, khiến các nghề truyền thống dần mất đi. Hiện nay, không còn ai làm nữa.

Không những thế, trước đây dân tộc Phù Lá mang họ: Sê Pạ, Dề Lọ Xệ, Ả Cáp Pả, Ả Háp Pả… thì bây giờ đang dùng họ của dân tộc Thái như họ Quàng, họ Lò. Tìm hiểu kỹ hơn nguyên nhân của thực trạng này, chúng tôi được biết, do dân tộc Phù Lá có kết cấu cộng đồng không bền vững, sống rải rác không tập trung, số khẩu đã ít, chủ yếu là phụ nữ, lại kết hôn với người Thái nên đã bị “đồng hóa” theo phong tục, tập quán, ăn mặc và sinh hoạt của dân tộc Thái.

Sự hao mòn này cũng do cộng đồng dân tộc Thái không những đông đảo, mà nền văn hóa cũng như cấu trúc dân tộc rất bền vững, khiến dân tộc sống chung dễ dàng bị ảnh hưởng. Giờ đây, các lớp trẻ người Phù Lá không được biết về phong tục, tập quán hay tiếng nói của dân tộc mình, người già biết thì còn rất ít, họ lại không nhận thức rõ tầm quan trọng về tinh hoa văn hóa dân tộc nên chưa biết bảo lưu, truyền bá lại cho lớp kế tiếp.

Câu hỏi đặt ra, liệu khi những người già còn lại qua đời thì những nét đẹp văn hóa phi vật thể của dân tộc Phù Lá sẽ đi về đâu? Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới bản sắc văn hóa nói chung của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc và gây khó khăn cho ngành chức năng khi muốn khôi phục lại những giá trị văn hóa đó.

Theo phân tích của Trưởng phòng Văn hóa huyện Tủa Chùa, với số hộ giảm nhanh chóng như hiện nay, sợ rằng một thời gian ngắn nữa bản sắc văn hóa dân tộc Phù Lá sẽ bị “xóa sổ”. Chúng tôi được biết, ngoài 22 hộ ở Mường Đun thì dân tộc Phù Lá chỉ còn một nhóm hơn 10 hộ sinh sống ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo. Do đó, việc lập Đề án bảo tồn Văn hóa dân tộc Phù Lá là việc có ý nghĩa quan trọng mà các cấp, ngành chức năng, nhất là ngành Văn hóa cần quan tâm thực hiện.

Trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Phù Lá ở Mường Đun nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung, thì vấn đề thành lập bản riêng, tách biệt ra khỏi kết cấu bền vững của dân tộc khác; khôi phục lại nghề truyền thống; phục dựng lại các lễ hội... là những việc có thể làm được. Và nếu được triển khai sớm và đồng bộ thì giá trị văn hóa của người Phù Lá sẽ được bảo tồn, cũng như phát huy được vai trò của người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Phương Liên

Back To Top