Cựu chiến binh Chu Văn Hải, 75 tuổi, ở tổ 4, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) nguyên là bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Dù mang trong mình 35% di chứng chất độc da cam, ông vẫn giữ dáng vẻ nhanh nhẹn, ánh mắt rạng ngời khí chất người lính. Là con liệt sĩ chống Pháp, ông Hải không thuộc diện bắt buộc nhập ngũ, nhưng với tinh thần “nợ nước, thù nhà”, ông tình nguyện lên đường chiến đấu, biên chế vào đại đội 31, tiểu đoàn 18, sư đoàn 320A.
Ông Hải kể: Trong những ngày đầu huấn luyện ở Đông Quan (Thái Bình), có một người bạn tên Chiến nhập ngũ cùng ngày, trong lúc huấn luyện với súng trung liên, tôi nói đùa: “Vào chiến trường, tao sẽ tiếp đạn cho mày bắn”. Không ngờ, đó lại là lời hẹn cuối. Người đồng đội ấy đã hy sinh ở mặt trận Tây Nguyên, chưa kịp gặp lại người vợ mới cưới!
Nhắc đến cuộc hành quân thần tốc năm xưa, ông Hải rưng rưng nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi nhận mật lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Chúng tôi hành quân ngày đêm, không nghĩ đến sống chết. Có lần, tôi và 5 đồng đội bị dội bom cháy, tôi kịp lao xuống suối ngâm mình, lúc trở lên… không còn ai nữa. Chỉ còn một mảng đất cháy đen”.
Là người lính thông tin, ông Hải và đồng đội đảm bảo đường dây liên lạc từ Bộ tổng Tham mưu đến sư đoàn, góp phần bảo vệ mạng lưới chỉ huy toàn chiến dịch. Chính ông là một trong những người đầu tiên nhận được tin thắng trận khi cờ Giải phóng tung bay trên dinh Độc Lập. “Chúng tôi hò reo vang cả đơn vị. Có chiến sĩ nhảy lên bắn chỉ thiên vì quá vui sướng… Đó là khoảnh khắc không thể nào quên”.
Sau chiến tranh, ông Hải cùng 50 hộ dân lên khai hoang xây dựng kinh tế tại xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo. Hiện nay ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Điện Biên.
Sinh năm 1952, nhập ngũ tháng 2/1973 tại đơn vị C1, D1, E174, F316 trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, ở tuổi 73 giọng nói ông Lường Văn Đôi, bản Yên 2, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) vẫn đầy nội lực và khí phách của người lính năm xưa. Khi chúng tôi liên hệ phỏng vấn, ông hào sảng nói: “Ba giờ cháu đến nhé, nhà ông ở đỉnh dốc, qua nghĩa trang rẽ phải là tới, nhà mái tôn màu đỏ đấy!”. Đến đầu bản Yên 2, chúng tôi hỏi đường, một nhóm học sinh rôm rả chỉ ngay: “Nhà ông Đôi kìa cô, ông hay kể chuyện chiến đấu cho chúng cháu nghe lắm!”.
Trong bộ quân phục cũ đã sờn màu theo thời gian, ông Đôi bắt tay chặt như gọng kìm, rồi kể lại: "Ngày ấy, chúng tôi mới chỉ mười tám, đôi mươi, sức trẻ lúc nào cũng sục sôi. Nghe tiếng loa trên ngọn cây gạo truyền tin giặc Mỹ ở miền Nam, lòng tôi như có lửa. Không suy nghĩ nhiều, tôi viết đơn xin nhập ngũ. Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ: Miền Nam gọi, chúng tôi lên đường, không tiếc máu xương, chỉ mong ngày thống nhất".
Sau huấn luyện tại Nghĩa Lộ, ông Đôi cùng đơn vị hành quân qua Nghệ An rồi vào chiến trường miền Nam, tham gia những trận đánh ở Buôn Ma Thuột, Củ Chi, sân bay Tân Sơn Nhất. Là A trưởng kiêm nhiệm lính hậu cần, ông đảm trách việc lo từng bữa cơm, nắm muối cho đơn vị. Nhưng làm hậu cần thời chiến - như ông nói - là phải bảo đảm cả ba yếu tố: an toàn, dinh dưỡng và tuyệt đối bí mật. “Chỉ cần một làn khói sai thời điểm là địch phát hiện, bom sẽ trút xuống như mưa. Đôi khi một bữa cơm nóng là điều xa xỉ, nhưng chính những bữa cơm chiến trường gian khổ ấy đã hun đúc ý chí và sức chiến đấu cho cả đơn vị”- ông Đôi nói như giải thích.
Ông kể lại trong bản ông ngày ấy có 8 người cùng viết đơn xung phong nhập ngũ, nhưng chỉ có 4 người trở về. Giọng ông trầm lại, ánh mắt xa xăm trong ký ức: “Bốn người ấy đã nằm lại mãi mãi ở chiến trường miền Nam!”.
Ông Lường Văn Đôi sinh ra và lớn lên ở xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), khi đất nước thống nhất, ông được điều động về công tác tại tỉnh Điện Biên và trải qua nhiều vị trí công việc, gắn bó với mảnh đất Mường Phăng lịch sử đến ngày nay.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 314 người từng trực tiếp tham gia làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. Mỗi người là một ngọn lửa ký ức sống động của một thời oanh liệt. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị của hòa bình, của máu xương, của lòng yêu nước còn mãi. Thế hệ trẻ hôm nay sinh ra trong hòa bình càng phải hiểu, trân trọng và tiếp nối truyền thống tự hào của dân tộc. “Miền Nam gọi, chúng tôi lên đường” không chỉ là tiếng gọi trong một thời kỳ lịch sử, mà là biểu tượng của lý tưởng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân.