Những ngày này, gia đình anh Thùng Văn Điệp, bản Chăn Nuôi, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) đông vui, rộn ràng tiếng nói cười, bởi người thân, hàng xóm sang trò chuyện, chúc mừng gia đình có căn nhà mới khang trang, rộng rãi. Anh Điệp chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, ngôi nhà cũ đã xuống cấp, đặc biệt vào mùa mưa thấm dột, khiến cả nhà luôn sống trong cảnh phập phồng, lo sợ. Cảm ơn Đảng, Nhà nước và người dân trong bản đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà đẹp, rộng hơn 100m2. Đây chính là động lực, điểm tựa để chúng tôi cố gắng phát triển kinh tế và chăm lo cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Tại huyện Điện Biên, hiện có 12 xã biên giới và 46 bản giáp biên. Thực hiện hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, cận nghèo tại các bản giáp biên, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với đơn vị liên quan, chính quyền địa phương rà soát, nắm tình hình về số hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách còn ở nhà dột nát, nhà tạm để hỗ trợ, đồng thời, nắm chính xác tình hình, điều kiện thực tế các hộ gia đình để có phương án thực hiện tốt nhất. Qua rà soát, 50 hộ có khả năng tự làm nhà, 34 hộ không có khả năng tự làm nhà… Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương huy động người thân, cộng đồng dân cư, các lực lượng đóng quân trên địa bàn tham gia hỗ trợ về tiền, vật chất, ngày công lao động (toàn huyện đã huy động được 62 triệu đồng tiền mặt, 1.898 ngày công lao động) giúp đỡ các hộ làm nhà. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào các xã được phân bổ nhiều nhà, có điều kiện khó khăn về nhân lực, vận chuyển vật liệu. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành 84 nhà Đại đoàn kết, bàn giao cho các hộ gia đình đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí thực hiện 10,987 tỷ đồng (trị giá trung bình 131 triệu đồng/căn). Trong đó, kinh phí Nhà nước hỗ trợ 4,2 tỷ đồng, gia đình tự bỏ ra 6,787 tỷ đồng. Hình thức nhà do các hộ gia đình lựa chọn phù hợp với phong tục, tập quán và nhu cầu sử dụng của gia đình (nhà gỗ truyền thống 40 căn, nhà xây 41 căn, nhà khung sắt 3 nhà).
Hưởng ứng hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo các bản giáp biên giới, Đồn Biên phòng Nà Bủng đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện với phương châm “Thần tốc - Quyết thắng”, xem đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là tình cảm của người chiến sĩ biên phòng với người dân trên địa bàn biên giới. Đơn vị đã tích cực, phối hợp với Đảng ủy, UBND 2 xã Nà Bủng, Vàng Đán (huyện Nậm Pồ) và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa chương trình làm nhà Đại đoàn kết đến các tầng lớp nhân dân. Phân công cán bộ tiến hành ra soát hộ nghèo, cận nghèo tại các bản giáp biên giới có nhu cầu hỗ trợ làm nhà; cử 50 cán bộ chiến sĩ tham gia giúp dân làm nhà đảm bảo tiến độ, thời gian. Tính đến 6/3/2025 có 44 ngôi nhà mới đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng (xã Nà Bủng 34 nhà; xã Vàng Đán 10 nhà).
Ông Giàng A Súa, bản Huổi Dạo, xã Vàng Đán chia sẻ: “Quá trình làm nhà, gia đình tôi luôn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Bủng ngoài việc huy động kinh phí, còn giúp gia đình hàng trăm ngày công lao động vận chuyển vật liệu, san nền nhà. Đến nay, gia đình tôi đã có nhà mới chắc chắn để ở. Gia đình tôi cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Bủng rất nhiều”.
Thực hiện kế hoạch số 09/KH-MTTQ-BTT của Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên về triển khai, thực hiện hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo các bản giáp biên giới, thuộc 4 huyện: Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên… Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và nội dung kế hoạch hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các bản giáp biên giới. Phối hợp với các bản tổ chức họp nhân dân để phổ biến, triển khai kế hoạch hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết, tổ chức bình xét, thống nhất lựa chọn hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà, đảm bảo đúng quy trình, khách quan, công khai, minh bạch. Cùng với đó, thống nhất mục đích, yêu cầu, đối tượng thực hiện, cách thức triển khai thực hiện trên nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhân dân tự làm nhà”. Chính quyền đứng ra hỗ trợ làm nhà đối với các hộ gia đình đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự làm nhà như: Các hộ đơn thân, khuyết tật, người cao tuổi. Đối với mẫu nhà do các gia đình tự lựa chọn theo nguyện vọng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán, đảm bảo yêu cầu chất lượng theo quy định. Phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận, trưởng bản, người có uy tín trong khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giúp đỡ các hộ gia đình vận chuyển vật liệu, tháo dỡ nhà cũ, xây dựng nhà mới, đặc biệt các gia đình neo đơn, khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Đến ngày 31/3/2025, toàn bộ 300/300 ngôi nhà đã hoàn thành việc làm nhà, nghiệm thu, đưa vào sử dụng (trong đó, 122 nhà gỗ truyền thống, 118 nhà khung sắt, 60 nhà xây). Diện tích mỗi căn nhà từ 36m2 - 102m2. Tổng kinh phí hoàn thiện các ngôi nhà là 30,723 tỷ đồng; trong đó Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh phân bổ 15 tỷ đồng (từ nguồn hỗ trợ của 7 địa phương, tổ chức, doanh nghiệp ngoài tỉnh và vận động trên địa bàn tỉnh); kinh phí các gia đình đối ứng, tự huy động thêm trị giá 13,663 tỷ đồng. Ngoài ra, việc triển khai làm nhà của các hộ nghèo, cận nghèo khu vực biên giới đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn với trên 4.473 ngày công lao động và ủng hộ bằng tiền, vật liệu làm nhà giá trị giá trên 2,06 tỷ đồng.
“An cư rồi sẽ lạc nghiệp”, mỗi căn nhà Đại đoàn kết được xây dựng không chỉ là niềm vui đối với các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, mà đây còn là nguồn động viên, tiếp thêm động lực để bà con vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bài, ảnh: Sầm Phúc