ĐBP - Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền được nâng cao… Đó là những nét nổi bật cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của thành phố Điện Biên Phủ, một thành phố trẻ đang không ngừng vươn lên phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại II văn minh và hiện đại.
Nằm ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, đường 7/5 là công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập TP. Điện Biên Phủ (18/4/1992-18/42022). Để làm tuyến đường với chiều dài hơn 1,5km này, nhiều diện tích đất của các gia đình phải thu hồi; vì vậy công tác giải phóng mặt bằng được xem là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, xác định đây là công trình trọng điểm của tỉnh, TP. Điện Biên Phủ đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho dự án. Nhờ có sự gần dân, sát dân, giải thích kịp thời, “thấu tình đạt lý”, nhiều gia đình trong vùng ảnh hưởng của dự án đã chủ động di dời, bàn giao mặt bằng để xây dựng tuyến đường và hạ tầng kỹ thuật khung. Giờ đây, tuyến đường 60m rộng rãi, khang trang đã hiện hữu giữa lòng thành phố trẻ Điện Biên Phủ mang tên đường 7/5 đem lại ý nghĩa đặc biệt nhằm hoàn chỉnh hạ tầng giao thông để kết nối trung tâm hành chính thành phố với trung tâm hành chính - chính trị tỉnh và các khu vực lân cận.
Đường 7/5 chỉ là một trong những công trình trọng điểm đã được thực hiện trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ trong thời gian qua. Ngoài tuyến đường trên, nhiều công trình, dự án lớn của tỉnh đã được triển khai thực hiện trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, như: Dự án xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Đường A1-C4 và nhiều dự án trọng điểm khác đã được tháo gỡ, triển khai hiệu quả, đánh dấu sự đổi thay của TP. Điện Biên Phủ.
Để có một thành phố mang tầm vóc như hiện nay, TP. Điện Biên Phủ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đã có một bước tiến dài trên mọi mặt trong hành trình đổi mới và phát triển. Năm 1992, thị xã Điện Biên Phủ được thành lập, cho đến năm 1995 trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên khi đó thị xã có xuất phát điểm rất thấp, giao thông đi lại vất vả, hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn lạc hậu, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo trên 50%. Trước sự khó khăn đó, cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã phát huy khối đoàn kết dân tộc, chung một khát vọng, tầm nhìn, đó là xây dựng thành phố kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh ngày càng ổn định, giữ vững, xứng tầm với vị thế địa chính trị, kinh tế của một thành phố giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Phát huy lợi thế của địa danh với quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu", cấp ủy chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố đã chung sức đồng lòng khắc phục khó khăn, khai thác lợi thế để phát triển. Kinh tế thành phố liên tục phát triển nhanh, năm sau cao hơn năm trước với mức thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt trên 1.000.000 đồng/năm, đến năm 2021 đạt 55.000.000 đồng/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 1993 được 1,2 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt trên 400 tỷ đồng. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trên chặng đường 30 năm đổi mới và phát triển của TP. Điện Biên Phủ, không khó để nhận diện những sáng tạo, đột phá từng bước đưa thành phố trở thành đô thị đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng thương mại, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, siêu thị được đầu tư xây dựng, với gần 6 nghìn doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh thương mại… Các điểm di tích lịch sử, như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Nghĩa trang liệt sỹ A1, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hầm Đờ Cát được trùng tu, tôn tạo, khôi phục, giữ gìn và đưa vào khai thác... Hệ thống giao thông cũng phát triển vượt bậc, đến nay thành phố có hơn 200km đường giao thông, tăng hơn 8 lần so với giai đoạn 1992 – 1995. Cảng Hàng không Điện Biên đang được cải tạo, nâng cấp. Hiện nay, không chỉ có hãng VASCO mà Hãng hàng không Bamboo Airways cũng đã mở mới đường bay thẳng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ và khi dự án nâng cấp sân bay hoàn thành, Cảng Hàng không Điện Biên sẽ đưa vào khai thác các loại tàu bay A320/A321 và tương đương. Đồng thời có thể mở mới các đường bay quốc tế, góp phần tăng tần suất chuyến bay/ngày, phục vụ nhu cầu đi lại của du khách trong nước và quốc tế đến với Điện Biên.
Nhìn lại chặng đường đã qua, với những thành tựu nổi bật, là niềm tin, tiền đề, sức mạnh để TP. Điện Biên Phủ tiếp tục vững bước đi lên. Trên chặng đường đổi mới và phát triển trong những năm tiếp theo, thành phố Điện Biên Phủ đã và đang triển khai những chủ trương, hoạch định lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các điểm nhấn trong quy hoạch đô thị và phát triển không gian đô thị, bao gồm: Quy hoạch chi tiết khu dân cư trung tâm thành phố gắn với các di tích lịch sử; Quy hoạch phân khu trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thuộc khu đô thị mới phía Đông thành phố và quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Điện Biên; Quy hoạch chi tiết Trung tâm hành chính chính trị tỉnh, cùng nhiều dự án có tính chiến lược khác đã và đang từng bước hoàn thành theo tiến độ, kế hoạch đề ra. Đặc biệt là sớm hội tụ các tiêu chí để thành phố Điện Biên Phủ được công nhận lên đô thị loại II vào năm 2025, mang một diện mạo mới, dáng vóc một đô thị khang trang, hiện đại.
Có thể khẳng định rằng, những thành tựu quan trọng đạt được trong thời gian qua là công sức, trí tuệ, sức sáng tạo, nỗ lực không ngừng cùng chung sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển không phải là dài so với lịch sử của vùng đất Điện Biên Phủ, song những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, là nền tảng, sức mạnh và động lực để thúc đẩy thành phố bứt phá vươn lên, từng bước khoác lên mình một diện mạo mới, diện mạo của một đô thị trẻ trung, văn minh, hiện đại.