ĐBP - Hạ tầng giao thông có vai trò hết sức quan trọng và cần được ưu tiên đầu tư để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh với mỗi địa phương. Xác định rõ vị trí, vai trò của việc phát triển giao thông, với phương châm “giao thông đi trước một bước”, những năm qua, tỉnh Điện Biên tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó chú trọng xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu, đường giao thông, nhất là giao thông kết nối vùng khó khăn.
Vài tháng trước, tuyến đường từ bản Chua Ta B, xã Tìa Dình đến xã Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông) là đường đất, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Đầu năm nay, tuyến đường giao thông từ trụ sở xã mới đến bản Chua Ta B (xã Tìa Dình) được đầu tư làm mới và sửa chữa nâng cấp đường Háng Lìa – Tìa Dình. Con đường đất, nắng bụi, mưa lầy trước kia đã được bê tông hóa gần 10km.
Khi được đầu tư xây dựng tuyến đường sau bao nhiêu năm mong mỏi, chính quyền xã cũng như bà con địa phương ai ai cũng vui mừng, phấn khởi chờ mong ngày con đường hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân trên địa bàn.
Thời điểm thi công tuyến đường vào mùa mưa đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công, thậm chí nhiều vị trí còn bị sạt lở taluy dương gây khó khăn cho nhà thầu. Đây là một trong những điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá xuống mặt đường từ trụ sở xã mới đến bản Chua Ta B (xã Tìa Dình). Sau những trận mưa kéo dài, nhiều vị trí đất, đá từ trên cao rất dễ sạt xuống đường mới mở, có thể vùi lấp cả tuyến; làm chậm tiến độ công trình. Tuy nhiên, bằng sự chủ động, thực hiện nhiều giải pháp, các nhà thầu cũng như chủ đầu tư phối hợp khắc phục, xử lý các vấn đề vướng mắc, tồn tại để sớm hoàn thành tuyến đường và bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ.
Những ngày đầu thành lập (năm 2007), hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Mường Ảng chủ yếu là đường dân sinh bằng đất hay rải cấp phối; việc lưu thông đi lại của nhân dân không dễ dàng. 15 năm trôi qua, được sự quan tâm của tỉnh, cùng với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Mường Ảng đã có những bước tiến quan trọng về hạ tầng giao thông. Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, vốn ngân sách huyện... Mường Ảng đã ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp nhiều tuyến đường với tổng nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay 100% đường huyện đã được thảm nhựa, bê tông hóa; trên 16km đường đô thị được làm mới và nâng cấp, sửa chữa và hơn 35% đường xã, liên bản được cứng hóa.
Là một huyện miền núi địa hình chia cắt, giao thông khó khăn nhưng nhờ quan tâm, đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống mạng lưới giao thông, đến nay các xã trên địa bàn huyện Mường Chà đều có đường ô tô đến trung tâm. Các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, bản cũng từng bước được cứng hóa… Toàn huyện hiện có hơn 220km đường cấp huyện; trên 530km đường trục xã, liên xã; 137,9km đường trục bản; 112,97km đường ngõ, xóm và 94,8km đường nội đồng. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng không chỉ đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân mà còn góp phần thuận lợi trong quá trình giao thương hàng hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 8.757km đường giao thông các loại; trong đó gần 830km quốc lộ và tỉnh lộ; hơn 1.161km đường huyện; hơn 2.850km đường xã và trên 3.900km đường thôn, xóm và đường trục chính nội đồng. Để đảm bảo giao thông thông suốt, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm cũng như giao thông vùng cao. Dù còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các công trình, dự án hạ tầng giao thông, song giai đoạn 2008 - 2021, Điện Biên đã đầu tư xây dựng mới hơn 1.844km; nâng cấp, cải tạo hơn 3.048km đường giao thông nông thôn. Theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ.
Thực tế, giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo thuận lợi cho người dân giao thương, đi lại. Việc nâng cấp, mở rộng hoặc đầu tư mới các tuyến đường giao thông góp phần không nhỏ khơi thông huyết mạch kinh tế, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm; từng bước làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Bởi vậy, phương châm “giao thông đi trước một bước” không chỉ là định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp, mà còn là niềm mong mỏi của toàn dân để hướng tới sự phát triển nhanh chóng, toàn diện và bền vững trong tương lai.