Đẩy lùi tà đạo ở Huổi Meo

Thứ Sáu 12:01 25/11/2022

ĐBP - Những năm gần đây, do sự du nhập và phát triển của các tôn giáo, đặc biệt là các hiện tượng tôn giáo mới, đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số trên khu vực biên giới đã có những biến động lớn, làm xuất hiện những biểu hiện mới trong quan hệ dân tộc - tôn giáo. Bản Huổi Meo, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) từng là “điểm nóng” của việc tuyên truyền tà đạo “Giê sùa”, nhưng với sự tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng, người dân nơi đây đã quay trở lại với đạo chính thống và được Nhà nước công nhận.

Hơn 3 năm về trước, bản Huổi Meo, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) vốn bình yên nhưng điều kiện sống còn gặp nhiều khó khăn, cộng với trình độ dân trí thấp, nghèo đói đeo bám, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng để len lỏi tuyên truyền, lôi kéo và dụ dỗ 19 hộ, 130 khẩu theo tà đạo “Giê sùa”. Trước đó, các hộ dân này đã sinh hoạt theo Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam - một tôn giáo được Nhà nước công nhận và được chính quyền địa phương chấp thuận cho đăng ký sinh hoạt điểm nhóm; nhưng chỉ một vài lần nghe các đối tượng xấu tuyên truyền trực tiếp và qua internet, họ đã tin, rời bỏ hệ phái tôn giáo chính thống để theo tà đạo. Những biểu hiện mới này vừa có mặt tích cực nhưng đồng thời cũng có những mặt tiêu cực, tiềm ẩn những nguy cơ làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội.

Với vai trò là trưởng bản, hiểu được suy nghĩ, lối sống của người dân trong bản, thế nên Trưởng bản Vừ A Dếnh đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đến từng nhà chuyện trò, phân tích đúng sai để người dân hiểu mà từ bỏ tà đạo “Giê sùa”. Nhờ đó 100% số hộ theo tà đạo ở đây đã cam kết từ bỏ và nhiều hộ đã trở lại sinh hoạt theo giáo hội trước đây.

Đây là một trong hàng chục cuộc họp giữa chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng với người dân các bản ở xã Mường Mươn, huyện Mường Chà với mục đích vận động tuyên truyền người dân từ bỏ tà đạo “Giê sùa”, chuyển sang các hệ phái tin lành đã được công nhận. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ cộng với sự kiên trì, khéo léo trong quá trình tuyên truyền của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương thì còn nhận được sự ủng hộ và tham gia tuyên truyền của các chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh, cùng những người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, ngoài các tôn giáo chính thống được công nhận, địa bàn khu vực biên giới của tỉnh Điện Biên hiện có một số tà đạo, đạo lạ đang hoạt động gây mất ổn định tình hình an ninh tôn giáo tại 7/22 xã biên giới. trong đó có tà đạo “Bà cô Dợ”, “Giê sùa”; Đạo lạ Lời sự sống… với 318 người bị ảnh hưởng, chủ yếu là người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn, vùng cao biên giới. Vậy nên việc vận động gần 20 hộ dân ở bản Huổi Meo theo tà đạo “Giê sùa” quay trở lại sinh hoạt theo đạo chính thống là một điển hình, minh chứng cho sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác tuyên truyền, đấu tranh với tà đạo đã và đang len lỏi vào địa bàn xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) nói riêng và trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung.

Để phòng ngừa, đấu tranh với các tà đạo, về lâu dài, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng thì rất cần người dân nâng cao nhận thức để hiểu rõ tác hại, hậu quả của việc tin, nghe theo các tà đạo. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống. Khi điều kiện kinh tế phát triển, trình độ dân trí nâng cao, sẽ không còn cơ hội để tà đạo len lỏi và tiếp cận đến người dân. Có như vậy, công tác ngăn chặn, đẩy lùi tà đạo mới đem lại hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự, an ninh – quốc phòng trên khu vực biên giới.