ĐBP - Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, nhân dân trong toàn tỉnh đã chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hộ gia đình, cá nhân đã tình nguyện hiến kế, hiến đất, đóng góp ngày công lao động, chung tay làm đường giao thông, công trình phúc lợi... giúp các địa phương nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí và sớm đạt chuẩn NTM theo đúng lộ trình đề ra.
Tuyến đường liên bản từ bản Phung đến bản Khá, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) có chiều dài khoảng 1,5km được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ như ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ, hiến đất của nhân dân. Lúc đầu việc vận động gặp không ít khó khăn vì người dân chưa đồng tình nhưng qua tuyên truyền vận động, bà con đã hiểu được lợi ích thiết thực từ việc làm đường và ý nghĩa của việc xây dựng NTM nên đã đồng thuận và nhất trí cao với chủ trương hiến đất mở đường. Mặc dù, hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, song khi chính quyền địa phương có chủ trương mở con đường đi qua diện tích đất của gia đình, anh Lò Văn Soan ở bản Khá đã tự nguyện hiến 400m2 đất vườn để làm đường, ngoài ra còn hiến 1.000m2 đất để xây dựng nhà văn hóa bản. Tinh thần sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung của anh Soan đã góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Nhiều địa phương có xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, song với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nên đã huy động được sức dân tham gia xây dựng NTM. Để hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, từ các thôn, bản cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, nhiều nơi đã vận động người dân hiến hàng nghìn mét vuông đất, nhiều hoa màu và đóng góp ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc tích cực bám sát dân, vừa tuyên truyền, vận động, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân đã giúp bà con thêm tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền và chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng NTM.
Trong xây dựng NTM, môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất và phải thực hiện xuyên suốt lâu dài, đòi hỏi có sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân. Vậy nên, sự vào cuộc của mỗi người dân có vai trò hết sức quan trọng để phấn đấu đạt và giữ vững tiêu chí “mềm” về môi trường. Mặc dù bận công việc đồng áng song hàng tuần, bà con nhân dân và hội viên Hội Phụ nữ bản Cói Bánh, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng đều sắp xếp, bố trí thời gian cùng nhau tập trung dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng. Để làm được điều đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã giao cho Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với trưởng bản, Bí thư Chi bộ tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ vệ sinh chung; dọn dẹp đường ngõ bản, xây dựng các tuyến đường thanh niên tự quản; đẩy mạnh phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, vận động hội viên phụ nữ tự đào hố, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Tạo đà cho kinh tế phát triển, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, nhân dân hiến đất, góp tiền, góp ngày công làm đường giao thông liên bản, nội bản, nhà văn hóa; chủ động kinh phí xây dựng các công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ giảm nghèo 30a, 135 của Chính phủ để bám sát các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch thực hiện theo lộ trình từng năm, từng bước phấn đấu hoàn thành các tiêu chí với phương án “tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau”.
Xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, vì thế ngay khi bắt tay vào thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa, mục đích của chương trình. Công tác tuyên truyền được tổ chức với các hình thức phong phú, đa dạng, từ đó chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng thực hiện quyết liệt hơn, vai trò của người dân được phát huy rõ nét; qua đó các phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được triển khai tích cực. Các hoạt động như: hiến đất, góp công để xây dựng các công trình, tham gia các hoạt động làm sạch môi trường nông thôn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp đã lan tỏa trong toàn dân, tạo thành làn sóng thi đua trong xây dựng NTM.
Sự nỗ lực của chính quyền các địa phương và quyết tâm của người dân trong tỉnh đã góp phần thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt được nhiều chuyển biến rõ rệt. Đến cuối năm 2022, tỉnh Điện Biên đã phấn đấu có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 30 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời công nhận 83 thôn, bản NTM và NTM kiểu mẫu. Trong công cuộc xây dựng NTM, tỉnh Điện Biên có số tiêu chí bình quân ước đạt 14 tiêu chí/xã; từ đó đã tạo nên một diện mạo mới cho nông thôn, bản làng vùng cao, biên giới nơi cực tây Tổ quốc.
Phong trào xây dựng nông mới được khởi sắc như ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của toàn thể hệ thống chính trị, trong đó sự đồng lòng của người dân có vai trò tiên quyết. Bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, tinh thần gương mẫu đi đầu của đảng viên tại cơ sở, các bản làng từng bước hoàn thiện hạ tầng nông thôn nhờ phát huy tốt nội lực của nhân dân. Việc dân chủ, công khai đã huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia, bàn bạc, đóng góp ý kiến về các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch, đề án xây dựng NTM. Tin rằng, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân với quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn của cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ sớm đưa các địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.