ĐBP - Những thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà dần được loại bỏ; quá trình xử lý công việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước được nhanh gọn, thuận tiện hơn là những ưu điểm nổi bật của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Việc khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương đã đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Giờ đây, phần lớn công việc của anh Nguyễn Ngọc Chiến, cán bộ Tư pháp công tác tại Bộ phận “một cửa”, UBND phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ đều được thực hiện trên máy tính. Trong lĩnh vực tư pháp kể từ giữa năm 2022, anh Chiến triển khai thêm 3 dịch vụ công trực tuyến là: Đăng kí khai sinh, khai tử và kết hôn để phục vụ nhân dân trên địa bàn. Và việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp anh Chiến cũng như đội ngũ cán bộ, công chức phường tiếp nhận và xử lý các TTHC nhanh và thuận tiện hơn.
Đây là KIOSK lấy số tự động và máy tra cứu các văn bản, TTHC đặt tại bộ phận một cửa xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo). Thông qua hệ thống này người dân sẽ được hỗ trợ tìm kiếm – tra cứu các TTHC dễ dàng, nhanh chóng và chính xác. Với sự tiện ích đó, hiện nay, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuần Giáo đều được trang bị hệ thống này giúp người dân cũng như cán bộ, công chức dễ dàng truy cứu các thông tin, văn bản, thủ tục. Đó là một trong những sự đổi mới hướng đến thực hiện đồng bộ công tác CCHC, đặc biệt là việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin thường xuyên trong công việc giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự tin, thành thạo thực hiện các tác vụ; phục vụ tốt hơn nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Qua đó giúp các bộ phận chuyên môn kịp thời cập nhật những TTHC được cơ quan Nhà nước ban hành; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp; chủ động rà soát, kịp thời và kiến nghị các cấp có thẩm quyền bãi bỏ những hồ sơ, thủ tục rườm rà, không cần thiết.
Với quyết tâm tạo bước đột phá trong chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với CCHC và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Về hạ tầng số, toàn tỉnh hiện có trên 98% thôn, bản phủ sóng điện thoại 2G; 100% trung tâm xã, phường, thị trấn kết nối internet băng rộng cố định… Thực hiện công tác CCHC, đến nay, 100% cơ quan Nhà nước các cấp đã sử dụng nền tảng quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông vào Trục văn bản Quốc gia; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ; trong đó trên 90% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong xử lý công việc... Phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Điện Biên tiếp tục quyết tâm và đề ra nhiều giải pháp nhằm ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số vào tất cả lĩnh vực trong thời gian tới.
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong CCHC đã góp phần quan trọng và tạo thuận lợi để đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; hỗ trợ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp khi đến cơ quan Nhà nước thực hiện các giao dịch. Đồng thời, tạo đột phá và lan toả mạnh mẽ chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.