ĐBP - Có thể nói cây khèn là một trong những vật dụng song hành trong suốt cuộc đời của người Mông. Cây khèn Mông là linh hồn của văn hóa dân tộc Mông. Tiếng khèn ngân vang khắp núi rừng trùng điệp, theo người Mông lên nương, xuống chợ, thay lời tự sự buồn vui.
Là người con của bản Pú Súa, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng), ngay từ khi còn nhỏ ông Hậu Phái Sếnh thường được nghe cha mình thổi những điệu khèn Mông. Có lẽ vì thế mà tình yêu âm nhạc cứ lớn dần trong ông theo năm tháng. Để đến nay, nghệ nhân Hậu Phái Sếnh đang là người tích cực góp phần bảo tồn nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông ở huyện Mường Ảng.
Không chỉ thông thạo âm luật, trình diễn các điệu múa khèn, nghệ nhân Hậu Phái Sếnh còn giỏi chế tác khèn Mông. Lớp truyền dạy chế tác khèn Mông tại bản Pú Súa được Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh, Bảo tàng tỉnh hỗ trợ kinh phí mở lớp. Lớp có 18 học viên từ 15 đến 50 tuổi đều là người trong bản. Lớp học không chỉ mở vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần mà bất kể khi nào nghệ nhân và các học viên có thời gian rảnh rỗi, những lúc công việc lao động sản xuất đã xong, hay những đêm trăng tròn.
Để làm ra một cây khèn Mông cần nhiều công đoạn: Đục bầu, chọn ống khèn, rèn lưỡi gà bằng đồng… hết sức phức tạp, kỳ công. Khèn gồm 6 ống trúc nằm ngang, nối với một ống trúc dọc qua bầu gỗ, mỗi ống trúc ngang đều được khoét lỗ, gắn lưỡi đồng để tạo ra âm thanh; khi thổi âm thanh trầm hay bổng tùy thuộc vào độ dài ngắn của ống trúc. Chế tác khèn vô cùng độc đáo, không có quy chuẩn chung, các nghệ nhân làm khèn đều đo bằng tay, ngắm bằng mắt, bằng sự khéo léo, kiên nhẫn, kinh nghiệm và đam mê.
Tại lớp học, các học viên được ông Sếnh truyền dạy những bí quyết chọn nguyên liệu, cách chế tác các bộ phận cấu thành khèn như: thân, ống, đai và cách đúc đồng làm lưỡi gà... để tạo ra một chiếc khèn hoàn chỉnh.