ĐBP - Sau trận lũ quét kinh hoàng diễn ra đêm 24 rạng sáng 25/7, những ngày qua, hàng trăm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ những mong người dân Mường Pồn sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai. Thế nhưng, trước những mất mát và thiệt hại quá lớn, người dân Mường Pồn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề, đặc biệt là về nơi định cư.
Ngôi nhà sàn, nơi trú nắng che mưa ngày nào của gia đình 5 người, chủ hộ là ông Lù Văn Yêu ở bản Lĩnh, sau cơn lũ dữ giờ chỉ còn trơ lại những mảng nền xi măng xám xịt, phủ đầy bùn, rác. Dù đã được hỗ trợ di dời đến nơi ở tạm an toàn, nhận được tận tay những nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu đảm bảo cuộc sống, nhưng xót của ngày nào ông Yêu cũng ra đứng thất thần trên nền ngôi nhà cũ. Trên khuôn mặt khắc khổ đau đáu nỗi lo về nơi an cư, miếng cơm, manh áo và cả kế sinh nhai sau lũ.
Cơn lũ dữ tràn về trong đêm, khiến 10 hộ gia đình ở bản Lĩnh, xã Mường Pồn bỗng chốc mất trắng toàn bộ tài sản, nhà ở. Đã 2 tuần nay, Trường Mầm non số 2 Mường Pồn bất đắc dĩ trở thành nơi ở tạm của 5 trong số 10 hộ gia đình trên. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay càng chật vật hơn, bởi điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chỗ ăn, ngủ, nghỉ cũng bị bó hẹp. Tại thời điểm này, điều mong mỏi lớn nhất của các hộ gia đình ở đây là sớm có nơi ở mới để an cư lạc nghiệp
Cơn lũ qua đi, bao khó khăn để lại. Đến thời điểm này, xã Mường Pồn có trên 100 hộ tại 4 bản: Mường Pồn 1, 2, bản Lĩnh và Tin Tốc bị thiệt hại; trong đó có hơn 20 hộ bị trôi, sập nhà hoàn toàn, trên 80 nhà ở bị ngập úng, sạt lở vùi lấp, tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 70%. Những hộ mất nhà, một số đang ở nhờ nhà văn hóa, trường mầm non; một số ở nhờ nhà anh em họ hàng trong bản. Còn với những hộ có nhà nằm trong diện nguy cơ cao thì đang phải sống trong sự phấp phỏng, lo âu cho sự an nguy của gia đình.
Những ngày qua, huyện Điện Biên đã rốt ráo tiến hành đi khảo sát thực địa và có phương án bố trí các điểm tái định cư mới cho các hộ dân bị thiệt hại nặng về nhà ở. Theo đó, ngoài một số hộ đã có sẵn đất ở nơi ở mới, sẽ có 20 hộ được bố trí tái định cư tại khu vực sân bóng của bản Lĩnh, với diện tích hơn 4.000m2. Riêng đối với bản Tin Tốc, huyện Điện Biên lựa chọn giải pháp xây kè và nắn dòng chảy để người dân yên tâm định cư tại chỗ, ổn định đời sống.
Huyện Điện Biên cũng xác định những giải pháp khắc phục cần ưu tiên trước mắt là bố trí nơi ở mới và hỗ trợ sản xuất cho người dân. Giải pháp, phương án thì đã có, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bởi vậy, cùng với sự quan tâm của cộng đồng, sự nỗ lực của chính quyền địa phương thì chính những người dân nơi “rốn lũ” Mường Pồn cần phải nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn để trong thời gian sớm nhất có thể an cư - lạc nghiệp.