Những năm qua, ngành quân nhu Quân khu 3 luôn chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong đó việc thực hiện đề án “Đổi mới phương thức tạo nguồn bảo đảm lương thực, thực phẩm (LTTP) và chất đốt” là một trong những khâu đột phá.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Ngô Văn Hiến, Trưởng phòng Quân nhu (Cục Hậu cần Quân khu 3) chia sẻ, từ năm 2014 trở về trước, LTTP tại các bếp ăn của quân khu được giao cho các đơn vị tự khai thác nên giá cả chưa thống nhất, chất lượng chưa ổn định. Để tạo nguồn LTTP, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng bộ đội, cuối năm 2013, ngành quân nhu đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy cho phép xây dựng, triển khai thí điểm Đề án “Đổi mới phương thức tạo nguồn LTTP và chất đốt” tại Trung đoàn 2, Trung đoàn 8 (Sư đoàn 395) và Lữ đoàn 405, Lữ đoàn 454.
Đại tá Trần Quốc Tiến, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 3 cho biết: "Sau thời gian thử nghiệm, Cục Hậu cần tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và đến tháng 5-2014 ban hành hướng dẫn về việc triển khai thực hiện đề án trong toàn quân khu. Cục đã thực hiện chào hàng cạnh tranh và ký hợp đồng khung 6 tháng/lần với các đối tác, riêng các đơn vị trực tiếp ký hợp đồng khai thác với doanh nghiệp 1 tháng/lần".
Tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, đối với gạo tẻ và nước mắm, 6 tháng/lần, hội đồng giá của quân khu phát hồ sơ, thông báo chào hàng cạnh tranh trên phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp có nhu cầu, đủ điều kiện nộp hồ sơ tham gia. Sau đó, Cục Hậu cần tiến hành chấm điểm hồ sơ, kiểm tra thực tế và lựa chọn các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để ký hợp đồng khung (hợp đồng nguyên tắc). Trong đó, xác định rõ tên doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chào hàng cạnh tranh (trong kỳ) với quân khu; tên, quy cách, chất lượng hàng hóa; thời gian chào hàng, ký kết hợp đồng và phương thức giao nhận hàng hóa, thanh toán... Hằng tháng, các doanh nghiệp được quân khu ký hợp đồng khung sẽ gửi báo giá chào hàng cạnh tranh (bao gồm giá tại cửa kho doanh nghiệp và giá cước vận chuyển riêng đến từng đơn vị), số lượng mẫu hàng theo từng loại về hội đồng giá quân khu và các đầu mối trực thuộc. Trên cơ sở xem xét từng mẫu, so sánh chất lượng, giá cả, hội đồng giá quân khu sẽ thống nhất lựa chọn doanh nghiệp có giá chào hàng thấp nhất, chất lượng tốt nhất để xác định giá trần của chủng loại gạo, nước mắm. Căn cứ vào thông báo của trên, các đơn vị, chủ yếu là cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn tiến hành thương thảo, ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Thượng tá Vũ Xuân Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 395 giới thiệu quy trình: "Khi giao hàng, các đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu quy cách, chất lượng, trọng lượng và bao bì của từng chuyến hàng với mẫu gạo đã thống nhất khi ký hợp đồng. Nếu phát hiện thiếu, hoặc không đúng mẫu phải lập biên bản tại chỗ và từ chối không nhận hàng. Sau khi tiếp nhận hết số lượng theo hợp đồng, đơn vị thanh toán cho doanh nghiệp toàn bộ số tiền theo giá trị hàng hóa đã mua bằng séc chuyển khoản (không thanh toán bằng tiền mặt); doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển giao hóa đơn hợp lệ do Bộ Tài chính phát hành cho đơn vị, sau đó, hai bên tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng. Khi hoàn thành các thủ tục, đơn vị phải gửi một bộ hợp đồng về hội đồng giá quân khu để theo dõi, kiểm tra.
Qua khảo sát thực tế tại một số đơn vị như Sư đoàn 395, Lữ đoàn 405, Lữ đoàn 454, Bộ CHQS TP Hải Phòng, chúng tôi nhận thấy, với cách làm này, gạo cung cấp cho các bếp ăn trong toàn quân khu luôn bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; ghi rõ xuất xứ, loại gạo, trọng lượng, tỷ lệ tấm, tạp chất, thủy phần, ngày chế biến, hạn dùng và hướng dẫn chi tiết nên thuận tiện cho bộ phận nhà bếp trong quá trình sử dụng. Đối với nước mắm, các đơn vị đều sử dụng loại mắm chắt, không có hóa chất, có mùi vị đặc trưng, độ đạm 18-21%.
Trung tá Phạm Văn Tăng, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 454 đánh giá: "Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, đề án đã thu được kết quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng bộ đội. Đề án đã bảo đảm được tính thống nhất về chất lượng, giá thành và chủng loại sản phẩm; đặc biệt, do không qua khâu trung gian nên đã phát huy vai trò của cơ quan hậu cần quân khu và các đơn vị thông qua hoạt động của hội đồng giá các cấp để quản lý giá; tạo cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành thống nhất, công khai, minh bạch, thực hiện nhiều cấp tham gia giám sát với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng".
Từ những đánh giá, kết quả khảo sát trên, có thể thấy, Đề án “Đổi mới phương thức tạo nguồn bảo đảm LTTP và chất đốt" của Quân khu 3 là cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, các đơn vị trong toàn quân có thể nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng bộ đội trong điều kiện hiện nay.