Môi trường thân thiện, tự tin luyện rèn

Thứ Ba 9:38 21/03/2023

Đảm nhiệm huấn luyện chiến sĩ mới (CSM) cho Lữ đoàn 596, Binh chủng Thông tin liên lạc, Tiểu đoàn 36 đã chú trọng xây dựng môi trường thân thiện, gần gũi để CSM nhanh chóng gắn bó với đơn vị. Sự đồng hành chân tình bằng tình cảm và trách nhiệm của cán bộ các cấp giúp CSM tự tin học tập, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt khóa huấn luyện.

“Anh ơi, em có chuyện muốn thưa!”. Sau lời mở đầu có phần rụt rè, Binh nhì Lê Văn Phát, chiến sĩ Tiểu đội 9, Trung đội 6, Đại đội 13, Tiểu đoàn 36 đã trình bày với Trung úy Phan Trọng Bình, Trung đội trưởng Trung đội 6 về hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Nhận thấy tâm lý lo lắng của chiến sĩ Phát là chính đáng, Trung úy Phan Trọng Bình đã chú ý lắng nghe để có thể giúp đỡ, chia sẻ với chiến sĩ và có giải pháp hỗ trợ gia đình trong thời gian tới.

Trung úy Phan Trọng Bình cho biết: “Đồng chí Phát là lao động chính của gia đình, bố bị mất sức lao động nên những ngày đầu vào đơn vị luôn có tâm trạng lo lắng. Với tình cảm của một người anh đi trước, tôi đã trao đổi, động viên Phát yên tâm rèn luyện, công tác để trở thành niềm tự hào của gia đình, địa phương. Tôi cũng chia sẻ với Phát nhiều câu chuyện khác tương tự trong đơn vị, giúp Phát hiểu hơn về đồng đội quanh mình... Chính nhờ đó, Phát dần nhận thức rõ trách nhiệm và có những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ”.

Tiếp lời Trung đội trưởng, Binh nhất Phan Thanh Hậu, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 9 chia sẻ thêm: “Nhìn cử chỉ, nét mặt của chiến sĩ có thay đổi so với ngày thường là chúng tôi tiếp cận hỏi thăm. Những vấn đề nhỏ thì anh em, đồng đội hỗ trợ nhau, còn những việc lớn hơn thì báo cáo cấp trên theo phân cấp”.

Tương tự trường hợp của chiến sĩ Lê Văn Phát, nhiều CSM khi bắt nhịp vào môi trường quân ngũ thường có biểu hiện tư tưởng, tâm lý khác nhau, gây khó cho công tác quản lý tư tưởng nói riêng, quản lý bộ đội nói chung. Bởi vậy, đơn vị chủ động lên nhiều phương án, tình huống tư tưởng, chủ động nắm bắt, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh. Trung úy Nguyễn Tiến Anh, Chính trị viên phó Đại đội 11 nêu kinh nghiệm: “Chìa khóa” để “mở cửa” được tâm lý của CSM chính là niềm tin của chiến sĩ vào người cán bộ nên đội ngũ cán bộ các cấp phải làm tốt, làm tròn nhiều vai. Đặc biệt, người cán bộ phải là hình mẫu chuẩn để chiến sĩ noi theo nên từ lời nói đến hành động đều phải thật sự mực thước, gương mẫu”.

Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 36, Lữ đoàn 596 phấn khởi khi được biểu dương trên bảng thi đua của đơn vị.

Cũng như Đại đội 13, các đơn vị khác trong Tiểu đoàn 36 đều coi trọng các giải pháp nhằm xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cán bộ với chiến sĩ. Đội ngũ cán bộ phải trực tiếp "cầm tay chỉ việc" trong thời gian đầu, từ những việc nhỏ như xưng hô, chào hỏi, đi đứng, cách giao tiếp đến khơi gợi tính tự giác, chủ động của chiến sĩ trong thực hiện nền nếp, chế độ, xây dựng mối đoàn kết, thống nhất nội bộ. Cũng trong quá trình đó, cán bộ các cấp kết hợp nắm bắt tâm tư, tình cảm của chiến sĩ nhằm tháo gỡ, động viên, làm điểm tựa để CSM cảm nhận được “Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em”, khẳng định quyết tâm cao cho khoảng thời gian huấn luyện chính thức.

Chia sẻ về kinh nghiệm công tác, Trung tá Bùi Xuân Dũng, Chính trị viên Tiểu đoàn 36 cho biết: “Để tạo môi trường thân thiện, gần gũi với CSM, đơn vị đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp một số kỹ năng mềm. Trong nghị quyết chuyên đề huấn luyện CSM của Đảng ủy Tiểu đoàn cũng nghiêm cấm các hành vi trái với điều lệnh, kỷ luật Quân đội. Cán bộ các cấp trong đơn vị làm tốt vai trò từ người chỉ huy đến người anh, người bạn, cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt, học tập với CSM. Người cán bộ phải gương mẫu, nghiêm túc, nhưng đồng thời cũng cần mềm dẻo, linh hoạt trong quản lý, nắm bắt tư tưởng bộ đội”.

Để nắm bắt kịp thời tâm lý, tình cảm của các CSM, Tiểu đoàn 36 còn kết hợp tốt với gia đình, người thân của CSM. Đơn vị cho phép mỗi trung đội lắp một máy điện thoại bàn để chiến sĩ liên lạc với gia đình trong giờ nghỉ; đồng thời các đồng chí trung đội trưởng thành lập một nhóm liên lạc chung bao gồm người thân của CSM để có thể trao đổi kịp thời những vấn đề xảy ra. Tiểu đoàn đã kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ bí thư cấp ủy phụ trách công tác bảo vệ và chiến sĩ bảo vệ những kỹ năng quan sát, nắm bắt tình hình, phản ánh mọi mặt hoạt động của bộ đội. Ngoài ra, đơn vị tiến hành làm phiếu điều tra xã hội học với nhiều câu hỏi về nhận thức, tư tưởng, định hướng, băn khoăn, lo lắng... Thông qua đó, đơn vị nhận diện được nhiều vấn đề tâm lý, những khó khăn, vướng mắc của CSM và kịp thời giải quyết hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Tuyến, Phó chính ủy Lữ đoàn 596 cho biết: “Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đặc biệt coi trọng công tác quản lý tư tưởng bộ đội, tạo nền tảng vững chắc cho khóa huấn luyện CSM đạt kết quả tốt nhất, cũng như cho những nhiệm vụ tiếp theo". Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn bám sát, theo dõi thường xuyên diễn biến tư tưởng bộ đội, nhất là CSM, tăng cường sinh hoạt chính trị tư tưởng cấp tiểu đội, trung đội để nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng. Cùng với đó, Lữ đoàn quan tâm chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho CSM. Trong những ngày nghỉ, giờ nghỉ, các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí được tổ chức với sự tham gia của cả cán bộ và chiến sĩ, tạo nên không khí gần gũi, hòa đồng...