Nhà máy A31 (Quân chủng Phòng không-Không quân): Phát huy sáng kiến để phát triển bền vững

Thứ Hai 10:04 15/05/2023

Là đơn vị sửa chữa tên lửa phòng không đầu ngành của toàn quân, những năm qua, Nhà máy A31 (Quân chủng Phòng không-Không quân) luôn coi trọng tổ chức Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”.

Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên của nhà máy tích cực nghiên cứu, sáng tạo, cho ra đời hàng chục đề tài, sáng kiến khoa học có giá trị thiết thực, góp phần nâng cao năng lực sửa chữa khí tài, trang bị...

Thượng tá Phạm Minh Tuấn, Chính ủy Nhà máy A31, cho biết: "Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy xác định, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có vai trò quan trọng, góp phần thiết thực để đơn vị làm chủ công nghệ, khí tài mới, thực hiện tốt nhiệm vụ và phát triển bền vững. Hằng năm, Nhà máy phát động Phong trào thi đua “Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo, tiến quân vào khoa học-công nghệ” gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể. Từ năm 2017 đến 2022, Nhà máy đã có hơn 60 đề tài, sáng kiến được ứng dụng hiệu quả, trong đó có 2 đề tài cấp Bộ Quốc phòng".

Kỹ sư và công nhân Nhà máy A31 (Quân chủng Phòng không-Không quân) bảo dưỡng đạn tên lửa phòng không.

Theo dõi danh sách các đề tài, sáng kiến tiêu biểu của Nhà máy A31 trong những năm gần đây, chúng tôi thực sự ấn tượng với đề tài nghiên cứu, thiết kế, xây dựng phần mềm mô phỏng phục vụ huấn luyện khai thác, sử dụng một loại tổ hợp khí tài tên lửa phòng không mới, bởi đây là đề tài khó. Nhóm đề tài đã chọn phần mềm mô phỏng Adobe Flash Professional CS6 để xây dựng chương trình phần mềm mô phỏng phục vụ huấn luyện tổ hợp khí tài tên lửa phòng không hiện đại này với các nội dung chính: Huấn luyện về cabin điều khiển, trụ anten, các chế độ làm việc của tổ hợp khí tài...

Theo Thượng úy Trần Bá Trường, kỹ sư Phân xưởng 1, Chủ nhiệm đề tài, xuất phát từ thực tế giảng dạy, học tập, huấn luyện về tổ hợp khí tài tên lửa phòng không mới còn gặp nhiều khó khăn, nhóm tác giả đã quyết tâm nghiên cứu đề tài trên nhằm đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện, tăng tính trực quan, sát với thực tiễn, giúp người học nhanh chóng nắm chắc kiến thức lý thuyết, nâng cao kỹ năng trong khai thác, sử dụng tổ hợp khí tài tên lửa phòng không hiện đại.

Để nâng cao năng lực sản xuất, sửa chữa, phục hồi vật tư, khí tài và tiết kiệm chi phí, Nhà máy A31 tạo điều kiện, thường xuyên động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ kỹ thuật tích cực nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, những năm qua, Nhà máy đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều thiết bị, bảng mạch điện tử, modul kỹ thuật công nghệ cao; sửa chữa, phục hồi nhiều linh kiện, vật tư phục vụ sửa chữa khí tài và cung cấp cho các đơn vị, góp phần khắc phục khó khăn về khan hiếm vật tư, chủ động bảo đảm tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm; giá trị sản lượng hàng hóa hằng năm đều vượt chỉ tiêu.

Điểm nổi bật ở Nhà máy A31 là phong trào nghiên cứu khoa học diễn ra sôi nổi, rộng khắp, từ các đồng chí trong Ban giám đốc đến đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên, thợ kỹ thuật đều tích cực tham gia. Đại tá Phạm Đức Giang, Phó giám đốc Nhà máy, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, thiết kế Trung tâm chỉ huy điều hành phục vụ công tác quản lý, điều hành sản xuất trong Nhà máy A31” vừa đoạt giải nhất Cuộc thi “Đề tài, sáng kiến trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động toàn quân” lần thứ IV, chia sẻ: “Việc tích cực nghiên cứu khoa học vừa thể hiện vai trò nêu gương, “miệng nói, tay làm” của đội ngũ cán bộ, vừa là hoạt động thực tiễn bổ ích để qua đó kèm cặp, bồi dưỡng, tạo động lực, niềm tin cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư trẻ vươn lên làm chủ khoa học-công nghệ, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của Nhà máy”.

Theo các đồng chí lãnh đạo Nhà máy A31, thời gian qua, Nhà máy luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt xu thế phát triển của khoa học-công nghệ quân sự; rà soát đánh giá đúng thực trạng khả năng, chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị để có những chủ trương, định hướng phù hợp; thường xuyên liên hệ, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm của các nhà máy, cơ sở sản xuất, sửa chữa và đơn vị sử dụng; chủ động định hướng nghiên cứu sát nhu cầu thực tiễn... Thời gian tới, Nhà máy tiếp tục hoàn thiện quy chế hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học-công nghệ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và niềm say mê nghiên cứu, sáng tạo cho tất cả cán bộ, kỹ sư, nhân viên...