Lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống thiên tai

Thứ Ba 9:57 12/09/2023

ĐBP - Những năm gần đây, trước sự biến đổi của khí hậu, thiên tai có chiều hướng gia tăng cả về số lượng cũng như sức tàn phá, đã gây thiệt hại nhiều về người và tài sản của nhân dân. Xác định công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, lực lượng vũ trang tỉnh đã tích cực phối hợp, chủ động lực lượng, phương tiện xử lý các tình huống thiên tai, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và kịp thời giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

Lực lượng vũ trang huyện Ðiện Biên tham gia sửa chữa nhà người dân bị hư hỏng do giông lốc tại xã Thanh Hưng.  Ảnh: C.T.V

Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 2 người chết do nước cuốn trôi; 133 ngôi nhà của các hộ dân bị ảnh hưởng (tốc mái, ngập úng, sạt lở đất đá vào nhà) phải di dời; gần 80ha ruộng lúa bị vùi lấp, cuốn trôi; 27 công trình thủy lợi bị hư hỏng, đứt gãy, đất đá vùi lấp; 26 tuyến đường giao thông bị sạt lở, gây ách tắc, chia cắt giao thông… Tổng thiệt hại ước khoảng 37,6 tỷ đồng.

Ðể công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại cho người dân, hàng năm Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và người dân nhận thức rõ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ðồng thời, tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, hội thao về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế địa bàn, địa phương, nhất là bổ sung các bài huấn luyện bơi, huấn luyện lái thuyền, xuồng; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn với các địa hình sông nước.

Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh chủ động quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo từ sớm, từ xa, từ cơ sở và phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra thực trạng các hồ, đập, khu vực có nguy cơ xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá.... để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp di dời người dân đến khu vực an toàn. Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực cứu hộ cứu nạn, nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết trên địa bàn; thường xuyên củng cố trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó và khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.

Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc huy động 943 lượt người xuống địa bàn phối hợp với người dân địa phương tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai, trong đó có 80 lượt bộ đội, 288 lượt dân quân; huy động 5 máy xúc và các loại máy bơm tham gia khắc phục thiệt hại do giông lốc, lũ ống, sạt lở đất trên địa bàn. Ðã di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét hàng chục hộ dân thuộc các huyện Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ, Tủa Chùa và TP. Ðiện Biên Phủ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Ðồng thời, phối hợp với các lực lượng khắc phục hơn 50ha ruộng, hoa màu của người dân bị thiệt hại do mưa lũ để kịp thời khôi phục, sản xuất. Ðiển hình là ngày 2/5 trên địa bàn huyện Ðiện Biên xảy ra trận mưa đá lớn kèm giông lốc đã làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của Nhân dân. Ðặc biệt, giông lốc đã khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái và đổ sập, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt người dân. Sau khi xảy ra thiên tai, Ban CHQS huyện Ðiện Biên đã phối hợp với địa phương huy động gần 30 dân quân cùng các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai; giúp Nhân dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn; hỗ trợ tháo dỡ những ngôi nhà bị sập, cắt tỉa cây bị gãy giập, vệ sinh môi trường...

Ðể nâng cao chất lượng công tác phòng, chống thiên tai, thời gian tới Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, điều hành, huy động nguồn lực, trao đổi thông tin, quy chế phối hợp và chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Ðồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ, nhất là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa. Chú trọng xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị vật chất, phương tiện sát với đặc điểm từng địa bàn và tổ chức luyện tập, diễn tập, ứng trực, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống thiên tai, mưa lũ.