Kiến nghị kéo dài thời gian tham gia Dân quân tự vệ để tạo nguồn kết nạp Đảng, xây dựng cán bộ, đào tạo chỉ huy

Thứ Sáu 16:41 15/09/2023

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 907/BDN ngày 1-8-2023, với nội dung: “Cử tri đề nghị bố trí kinh phí xây phòng làm việc cho lực lượng dân quân tự vệ xã, phường, thị trấn để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu vì thực tế hiện nay khi xã huy động huấn luyện không có phòng làm việc để trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ” (Câu số 2).

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 907/BDN ngày 1-8-2023, với nội dung: “Hiện nay, Luật Dân quân tự vệ quy định người tham gia nghĩa vụ dân quân phục vụ trong lực lượng với thời hạn là 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, người tham gia nghĩa vụ dân quân đều muốn được phục vụ với thời hạn nhiều hơn. Kiến nghị nghiên cứu, xem xét điều chỉnh Luật Dân quân tự vệ theo hướng tăng thời hạn tham gia nghĩa vụ dân quân nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp với nhu cầu về tạo nguồn để kết nạp Đảng, công tác cán bộ và đào tạo chuyên nghiệp phục vụ lâu dài, đặc biệt là đối với dân quân thường trực” (câu số 24).

Ngày 8-9-2023, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:

Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22-11-2019.

Điều 8 Luật Dân quân tự vệ quy định:

“1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thế kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.

Nâng cao chất lượng huấn luyện của lực lượng dân quân xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh:qdnd.vn

2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 4 năm; dân quân thường trực là 2 năm.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định tại Điều này”.

Như vậy, Luật Dân quân tự vệ 2019 đã quy định kéo dài thời gian tham gia Dân quân tự vệ để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tế, bảo đảm nguồn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ và nhu cầu tạo nguồn kết nạp Đảng, công tác cán bộ, đào tạo chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ của địa phương, đảm bảo tính công bằng xã hội đối với thanh niên tham gia nghĩa vụ Dân quân tự vệ và nghĩa vụ quân sự.

Trên đây là trả lời của Bộ Quốc phòng đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang; trân trọng gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời cử tri.

Trường hợp nào được hưởng trợ cấp gia đình quân nhân dự bị?

Hỏi: Em là cán bộ hưởng lương nhà nước, em được cử đi đào tạo sĩ quan dự bị 3 tháng, trong 3 tháng đấy em có được hỗ trợ tiền cho gia đình là 160.000 đồng/ngày hay không. Em thì chưa qua bộ đội nên ở huyện bảo là không được hưởng chế độ trợ cấp gia đình mà chỉ được hưởng 01 tháng lương của Thiếu úy, như vậy có đúng không?.

Trả lời

Theo quy định tại Điều 31 Luật Lực lượng dự bị động viên và Điều 51 Luật Nghĩa vụ quân sự thì chỉ có gia đình của quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ mới được hưởng trợ cấp. Do đó, tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 79/2020/NĐ-CP ngày 8-7-2020 của Chính phủ quy định trong thời gian đào tạo sĩ quan dự bị thì chỉ có gia đình hạ sĩ quan dự bị mới được áp dụng hưởng trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị.

Sở dĩ có quy định như vậy, vì: Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 78/2020/NĐ-CP ngày 6-7-2020 của Chính phủ thì đối tượng tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau, như: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ (1); sinh viên khi tốt nghiệp đại học, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên (2) và hạ sĩ quan dự bị (3). Trong các nhóm đối tượng nêu trên thì chỉ có nhóm hạ sĩ quan dự bị là đã thuộc quân nhân dự bị, còn các nhóm đối tượng còn lại trong thời gian đào tạo sĩ quan dự bị chưa phải là quân nhân dự bị (chỉ khi nào hết thời gian đào tạo sĩ quan dự bị, được cấp thẻ sĩ quan dự bị và đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị thì khi đó mới là quân nhân dự bị).

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp của bạn trong thời gian đào tạo sĩ quan dự bị chưa phải là quân nhân dự bị; do đó, không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp gia đình quân nhân dự bị; mặt khác, theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 79 thì học viên khi tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, ngoài tiền lương, phụ cấp hiện hưởng, được hưởng thêm 1 tháng tiền lương theo cấp bậc quân hàm sĩ quan dự bị được phong. Do vậy, cơ quan quân sự địa phương trả lời bạn như vậy là đúng với quy định.

Sau này, khi bạn đã là sĩ quan dự bị, nếu được huy động làm nhiệm vụ thì trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động khi chưa đến mức tổng động viên hoặc động viên cục bộ, gia đình bạn sẽ được hưởng trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị theo quy định.