Bài 2: Nhận diện khó khăn và những giải pháp
Ý nghĩa của việc trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên đã được khẳng định tại thực tế cơ sở. Phát huy vai trò song hành đó, trong Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 7/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giai đoạn 2021 - 2025, đề ra chỉ tiêu cụ thể trên 90% trưởng thôn, bản, tổ dân phố là đảng viên. Để thực hiện mục tiêu này, có nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Khó khăn đặc thù
Đến tháng 7/2022, toàn tỉnh còn 38% trưởng thôn, bản, TDP chưa là đảng viên, con số này đã giảm 5% so với thời điểm ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU. Tuy nhiên đến hiện tại, cả công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng cho trưởng thôn, bản, TDP và giới thiệu nhân sự là đảng viên bầu trưởng thôn, bản, TDP ở nhiều địa bàn đang gặp những khó khăn, vướng mắc.
Đảng bộ xã Noong Luống, huyện Điện Biên hiện có 5/16 bản (31,3%) trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên và 1 hồ sơ kết nạp Đảng là trưởng bản đang trình xem xét. Ông Lò Văn Pọm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã thẳng thắn cho biết: “Hầu hết trưởng các thôn, bản còn lại là người đã cao tuổi. Để giới thiệu, lựa chọn những đảng viên của chi bộ thôn, bản vào vị trí trưởng bản cũng khó, vì người trẻ thường đi làm ăn xa, bận rộn; đảng viên lớn tuổi thì khó đảm nhiệm tốt công việc vất vả này”.
Thôn Đại Thành đã thành lập gần 30 năm, Chi bộ thôn hoạt động 14 năm. Tuy nhiên chưa từng có Trưởng thôn là đảng viên. Và từ khi thành lập, Chi bộ mới kết nạp được 3 đảng viên do khó về nguồn phát triển. |
Thôn, bản gặp khó nhất trong công tác này là Đại Thành. Thôn hiện đang khuyết trưởng thôn do đồng chí trước đó đã mất cách đây 2 tháng. Bí thư Chi bộ đang tạm thời đảm nhiệm các công việc trưởng thôn vì người dân chưa chọn được ai phù hợp. Ông Trần Văn Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Đại Thành, nói rõ: “Công việc của trưởng thôn rất bận và đòi hỏi người có năng lực, công tâm, trách nhiệm cao, vì thế người dân vẫn đang cân nhắc lựa chọn. Chúng tôi cũng muốn kiện toàn trưởng thôn là đảng viên nhưng điều này càng khó. Vì Chi bộ bản hiện chỉ có 7 đảng viên, trừ tôi ra thì 1 đảng viên được miễn sinh hoạt, 1 đảng viên đã gần 70 tuổi, 2 đảng viên trẻ làm kinh doanh, không có mặt tại địa bàn thường xuyên, 1 đảng viên chưa chính thức và chưa có nhiều kinh nghiệm sống...” Ông Dũng năm nay cũng đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe không thể đảm nhận tốt được cả 2 vai Trưởng thôn – Bí thư Chi bộ. Vì thế ông vẫn trăn trở tìm người phù hợp, tâm huyết với công việc của thôn.
Tại xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỷ lệ còn thấp hơn cả Noong Luống. Xã mới có 1/7 trưởng bản là đảng viên (hơn 14%). Anh Quàng Văn Kim đã 9 năm liền làm Trưởng bản Ly Xôm, nhiệt tình, trách nhiệm và là điển hình cần cù, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế tại địa bàn. Tuy nhiên anh Kim không được xét kết nạp Đảng do sinh con thứ 3. Ông Trần Hiến Giang, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh cho biết: “Trưởng bản dù được tín nhiệm và tiêu biểu tại bản nhưng một số đồng chí không kết nạp Đảng được do không đủ tiêu chuẩn như trình độ học vấn, sinh nhiều con, tảo hôn... Đồng chí nào có thể phát triển thì vẫn đang được cấp ủy, chính quyền xã, chi bộ bản bồi dưỡng đến khi xứng đáng. Bởi vậy tỷ lệ trưởng bản là đảng viên hiện tại của xã vẫn còn rất thấp”.
Có thể thấy trở ngại lớn nhất trong việc nâng cao tỷ lệ trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh ta là nguồn nhân sự. Thực tế ở nông thôn, miền núi, lực lượng thanh niên đi làm ăn xa đông, công tác phát triển đảng hàng năm gặp nhiều khó khăn. Tình trạng già hóa đảng viên khiến một số chi bộ không giới thiệu được đảng viên đảm bảo các điều kiện ra ứng cử trưởng thôn, bản. Nhiều trưởng thôn, bản có uy tín với nhân dân, năng lực, nhiệt tình có chí hướng phấn đấu, nhưng không đủ tiêu chuẩn vào Đảng do vi phạm quy định pháp luật về hôn nhân, chính sách dân số hoặc trình độ văn hóa thấp. Thống kê tỷ lệ tại một số huyện có thể thấy rõ tác động của những vướng mắc này: Mường Ảng hiện có 64/118 (54,2%) trưởng tổ dân phố, bản là đảng viên; Tuần Giáo có 105/177 (59,3%); huyện Điện Biên có 151/275 (54,9%)... Các tỷ lệ này vẫn còn cách khá xa so với chỉ tiêu đề ra (trên 90%).
Nâng tỷ lệ song song với chất lượng
Bám sát chỉ tiêu, đảng bộ cơ sở đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhiều giải pháp thiết thực, gắn việc nâng tỷ lệ trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên với nâng chất lượng những người “đứng mũi chịu sào” này. Tại huyện Điện Biên, Huyện ủy giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên năm 2022, đặc biệt với đối tượng trưởng thôn, bản tới từng xã, tổng giao phát triển 27 đảng viên là trưởng thôn, bản cho 19/21 xã (mỗi xã từ 1 - 3 đảng viên). Ông Đỗ Xuân Thọ, Trưởng ban Tổ chức và Nội vụ huyện Điện Biên cho biết: “Có định hướng, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, cấp ủy các xã sẽ tập trung rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động của từng chi bộ, nắm vững thực trạng đội ngũ đảng viên và khả năng tạo nguồn phát triển đảng của từng thôn, bản. Xây dựng kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp những quần chúng có triển vọng, nhất là đội ngũ trưởng thôn, bản chưa là đảng viên. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ”.
Đối với huyện Tuần Giáo, ông Lò Văn Cương, Bí thư Huyện ủy chia sẻ: “Chỉ tiêu trên 90% là nhiệm vụ khá khó khăn với Tuần Giáo. Một trong những giải pháp đang được thực hiện là nâng cao năng lực trình độ về mọi mặt, ý thức gương mẫu trong chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước... của các đảng viên chi bộ khối phố, bản. Từ đó nâng cao uy tín, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu hiệp thương bầu giữ chức vụ trưởng khối phố, bản... Chi bộ bản, khối phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cho chủ trương, định hướng việc tổ chức bầu cử trưởng khối, bản. Trong đó, chú ý tới việc giới thiệu đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để ban công tác mặt trận hiệp thương”.
Đây cũng là giải pháp mà Đảng bộ các huyện, thị, thành phố tích cực triển khai thời gian này. Trong hướng dẫn đại hội chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025 của huyện ủy các địa phương đều chủ trương cơ cấu chi ủy theo hướng là những đảng viên giữ chức vụ: Trưởng thôn, bản, TDP; trưởng ban công tác mặt trận và những đảng viên trẻ có năng lực uy tín trong nhân dân để đảm bảo tính kế thừa, phát triển và sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo toàn diện của chi bộ. Định hướng thực hiện chủ trương phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, TDP nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của chi bộ đảng ở địa bàn dân cư.
Đến hiện tại, đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025 ở khắp các địa bàn đã cơ bản hoàn thành, nhân sự cũng đã được xác định. Tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên “4 trưởng thôn, bản là đảng viên đã được tín nhiệm giữ vị trí phó bí thư chi bộ. Cùng với đó, kỳ đại hội này, 5 chi bộ bầu được phó bí thư có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực để dự kiến giới thiệu bầu trưởng bản trong năm tới” - ông Lò Văn Pọm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết.
Chủ trương, định hướng như vậy nhưng điều quan trọng nhất của người trưởng thôn, bản, TDP là hợp lòng dân, thật sự có năng lực, có khả năng quy tụ lòng dân, sức dân. Bởi vậy, ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Tổ chức đảng – đảng viên nhấn mạnh: Để nâng tỷ lệ trưởng, thôn, bản, TDP là đảng viên, song hành với phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú thì cấp ủy, chi ủy cơ sở cần thường xuyên nâng cao trình độ hiểu biết, chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cho đảng viên của mình. Đảng viên phải là người tiên phong đi trước, nói là làm, điển hình tích cực tại địa phương, có như vậy mới có khả năng tập hợp vận động nhân dân, được dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, TDP. Phấn đấu đạt chỉ tiêu nhưng phải lựa chọn người thực sự xứng đáng, là “hạt nhân lãnh đạo” đủ sức gánh vác những nhiệm vụ đặt ra ở cơ sở.