Bài 2: Giữ vững quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội
ĐBP - Thực hiện mục tiêu “giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng an ninh”, tại các xã vùng biên, cấp ủy các cấp huyện Mường Nhé đã lãnh đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kết hợp hài hòa giữa đảm bảo quốc phòng an ninh (QP - AN) và phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH).
Là địa phương có đường biên giới dài hơn 132km tiếp giáp với nước Lào và Trung Quốc, Mường Nhé giữ vị trí đặc biệt quan trọng về QP - AN. Địa bàn biên giới cơ bản ổn định song vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp về: Tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”; tuyên truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép, buôn bán các chất ma túy... Huyện Mường Nhé luôn chú trọng xây dựng, củng cố công tác quốc phòng địa phương, từng bước xây dựng thế trận QP - AN và khu vực phòng thủ huyện vững chắc. Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã bám, nắm địa bàn biên giới. Thường xuyên phối hợp tuần tra kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Nhờ vậy, phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới” duy trì nền nếp với sự tham gia tích cực của nhân dân các dân tộc vùng biên.
Với 6/7 bản có đường biên giới và có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, Đảng ủy xã Sín Thầu luôn chú trọng củng cố QP - AN địa bàn. Được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên đẩy mạnh xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với Cuộc vận động động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhờ đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện, đến nay Sín Thầu đã nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; thường xuyên duy trì hiệu quả hoạt động 2 mô hình, 14 tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải. Ngoài ra, xây dựng và sử dụng hiệu quả nhiều mô hình, tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ ANTT, tiêu biểu là 6 tổ tự quản đường biên, mốc giới với 48 thành viên. Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhiều năm qua Sín Thầu được coi như một “mắt xích” quan trọng trong hệ thống “thành trì” chắc chắn của huyện. Từ đó, góp phần không nhỏ đảm bảo an ninh biên giới trên hai tuyến Việt - Lào, Việt - Trung luôn ổn định.
Anh Quàng Văn Hới, bản Tá Miếu, xã Sín Thầu cho biết: Mặc dù gia đình sinh sống ở khu vực giáp biên song tình hình ANTT luôn ổn định. Nhờ đó, người dân chúng tôi yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no. Ai nấy trong bản đều tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; không nghe theo kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo.
Cùng với đảm bảo QP - AN, huyện Mường Nhé tích cực thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển KT - XH vùng biên. Từ các nghị quyết chuyên đề về phát kinh tế lâm nghiệp bền vững; chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả và nuôi nhốt tập trung, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản phẩm; đến phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc...
Đơn cử như trước đây người dân xã Chung Chải chủ yếu dựa vào tập quán canh tác trên nương. Mấy năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc: Hà Nhì, Si La, Mông ở Chung Chải đã khai hoang ruộng nước, chuyển đổi đất nương sang trồng các loại cây hoa màu (lạc, sắn, đậu tương, khoai tây) và các loại cây lâm nghiệp (dổi lấy hạt, quế, cây gai xanh). Nhờ đó, nhiều hộ dân từ chỗ “ăn bữa hôm, lo bữa mai” đã đảm bảo lương thực, tăng thu nhập.
Bí thư Đảng ủy xã Chung Chải Pờ Xè Chừ cho biết: Nhờ sự vào cuộc tích cực của các đồng chí thành viên tổ dân vận huyện phụ trách địa bàn, trực tiếp là đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chung Chải đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cụ thể là giảm dần diện tích lúa nương, tập trung sản xuất gần 190ha lúa nước và gần 120ha các loại cây: Ngô, sắn, lạc, khoai, dổi, quế, gai xanh.
Đối với các xã khác như: Nậm Kè, Sín Thầu có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc thì huyện cũng chỉ đạo cán bộ nông nghiệp động viên, hướng dẫn bà con trồng cỏ voi trên các khoảnh nương bạc màu để tạo nguồn thức ăn cho gia súc. Hay hướng dẫn người dân các xã có điều kiện phù hợp trồng cây sa nhân, thảo quả dưới tán rừng; trồng cây dổi lấy hạt, cây gai xanh và quế. Dù nguồn ngân sách huyện rất hạn hẹp song năm 2021, huyện vẫn dành cho 6 xã biên giới mỗi xã 100 triệu đồng mua cây giống cỏ voi cấp cho người dân.
Khai thác thế mạnh về tiềm năng du lịch, huyện Mường Nhé đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc: Phục dựng Tết cổ truyền, lễ Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì, lễ cầu mưa dân tộc Si La, lễ cúng tổ tiên của người Cống; triển khai Đề án du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu). Cùng với đó là đầu tư các điểm du lịch sinh thái như: Khu nước nóng tại xã Quảng Lâm, điểm săn mây xã Nậm Kè, khu di tích Đồn Pháp, du lịch tâm linh Tá Miếu, chinh phục mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt - Trung - Lào...
Hiện nay, Mường Nhé đã thu hút được một số nhà đầu tư các dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng như: Cột cờ chủ quyền cực Tây của Tổ quốc; Trung tâm dịch vụ thương mại... và một số dự án thủy điện như: Thủy điện Nậm Nhé 2A, xã Nậm Kè (Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 Điện Biên thực hiện); Thủy điện Nậm Mạ 3, xã Leng Su Sìn (Công ty Cổ phần Năng lượng An Xuân Hà Nội thực hiện); Thủy điện Chung Chải công suất dự kiến 10MW (Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thực hiện).
Đặc biệt, trong năm 2020, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kêu gọi, vận động xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo huyện Mường Nhé. Sau 4 tháng triển khai, đã hoàn thành 100% việc hỗ trợ làm nhà với kinh phí 55 tỉ đồng, bàn giao cho 1.149 hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Huyện ủy Mường Nhé luôn cầu thị, nhìn thẳng thắn những hạn chế như: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số xã vùng biên còn hạn chế; chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát; nắm tình hình, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ có nội dung chưa kịp thời và quyết liệt.
Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vùng “phên giậu” trong sạch, vững mạnh toàn diện, huyện Mường Nhé chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng tổ chức đảng; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ; quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách giúp cán bộ an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ; thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp tổ chức thực hiện. Phấn đấu xây dựng, phát triển Mường Nhé thành điểm sáng về chính trị, KT - XH, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.