ĐBP - Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (Đề án 79) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân, đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới. Bởi vậy, ngay từ ngày đầu triển khai Đề án 79, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé đã vào cuộc với tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa Đề án trở thành “đòn bẩy” cho người dân ổn canh ổn cư. Đến nay, qua chục năm thực hiện Đề án, cuộc sống người dân đã cơ bản an cư song chưa thể lạc nghiệp đòi hỏi những giải pháp căn cơ phù hợp khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến hết năm 2025.
Bài 1: Ổn cư vùng đất mới
Chuyển về vùng đất mới, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thuộc Đề án 79 đã dần ổn canh, ổn cư. Có nơi ở ổn định, người dân không còn khăn gói, bầu đàn thê tử mải miết nay đây mai đó theo mùa làm nương, theo những cánh rừng già. Không chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, trong số các bản tái định cư, nhiều người dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, mạnh dạn làm kinh tế, phát triển sản xuất và coi mảnh đất mới như quê hương thứ hai.
Về vùng đất mới
Trước đây, người dân bản Si Ma 2, xã Chung Chải cũng như hàng nghìn hộ dân khác di dịch cư tự do vào huyện Mường Nhé với mong muốn tìm được mảnh đất mới để sinh cơ lập nghiệp. Được sự bao bọc của những người Hà Nhì sinh sống nơi đây, hơn 20 hộ dân quyết định dừng chân ven quốc lộ 4H, dựng nhà, phát nương dần hình thành khu dân cư đông đúc. Từ ngày Đề án 79 được triển khai, các hộ dân đồng thuận tham gia và bản Si Ma 2 dần ổn canh, ổn cư xây dựng cuộc sống mới trên quê hương mới.
Nhớ lại ngày tháng gian khó ấy, Bí thư Chi bộ Si Ma 2 Giàng A Dinh chia sẻ: Người dân chúng tôi trước đây vốn là người gốc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Sau nhiều lần “chồn chân mỏi gối” di cư hết nơi này qua nơi khác, đến khu vực này gần với quốc lộ 4H, lại có điều kiện tự nhiên tốt hơn nên quyết định ở lại. Ngày mới về, đất nương, ruộng không có, nhà tạm mái gianh, vách nứa… khó khăn trăm bề. Đến năm 2017, Đề án 79 của Chính phủ hỗ trợ mỗi hộ 26 triệu đồng làm nhà, 2 triệu đồng làm nhà vệ sinh. Ngoài ra còn hỗ trợ thực hiện một số mô hình sản xuất kinh tế. Không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương người dân chúng tôi không xin đất ở, đất canh tác mà chủ động mua lại hoặc làm nhờ nương của anh em Hà Nhì sinh sống trước ở đây… Từ khi có Đề án 79, người dân bản Si Ma 2 đều phấn khởi bởi vốn đang là những người di dịch cư tự do nay được bố trí, sắp xếp nơi ở theo đúng nguyện vọng, được thành lập bản và trở thành những công dân chính thức trên mảnh đất này. Chính vì thế bà con yên tâm ở lại lao động sản xuất, xây dựng quê hương mới, thay vì nay đây mai đó như những năm trước đây. Đến nay, bản Si Ma 2 có trên 80 hộ, thì 70% hộ làm nhà kiên cố, mỗi năm phấn đấu 7 - 8 hộ thoát nghèo.
Chăm chỉ lao động, phát triển mô hình kinh tế, một số gia đình ở Si Ma 2 trở thành điển hình với ý chí, nỗ lực tự thoát nghèo chứ không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Triển vọng nhất là mô hình trồng quế và thành lập hợp tác xã chế biến tinh dầu quế đầu tiên trên địa bàn xã Chung Chải. Anh Giàng A Vả, Giám đốc Hợp tác xã Chế biến tinh dầu quế Si Ma 2 cho biết: Khi đến thăm nhà người bạn tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thấy mô hình trồng cây quế có hiệu quả, kinh tế cao hơn cây lúa, cây ngô nên tôi quyết định đưa cây quế về trồng thử nghiệm. Sau thời gian thấy cây quế sinh trưởng và phát triển hợp với thổ nhưỡng mới quyết định mở rộng diện tích. Hiện nay, cả bản có khoảng 25ha trồng quế, trong đó 5ha cây 3 năm tuổi, còn lại là từ 7 tháng đến 1 năm tuổi. Trên cơ sở định hướng phát triển, chúng tôi xin thành lập hợp tác xã để chế biến các sản phẩm khi cây quế cho thu hoạch…
Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng người dân Si Ma 2 đã quan tâm, nâng cao mức hưởng thụ đời sống tinh thần. Bí thư Chi bộ Giàng A Dinh tự hào khoe: “Tất cả người dân trong bản vừa góp kinh phí mua sân bóng đá cho anh em trong bản luyện tập thể thao và định hướng phát triển cho con cháu. Bản duy trì đội bóng đá, chiều chiều anh em luyện tập và giao lưu với các đội của bản lân cận. Các chị em thành lập đội văn nghệ với 7 thành viên, thường xuyên biểu diễn phục vụ dịp lễ, tết của bản”.
Nỗ lực ổn canh ổn cư
Năm 2012 trở về trước, tình hình di dịch cư tự do vào địa bàn Mường Nhé rất phức tạp. Nhiều người dân các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai... thậm chí có cả dân tộc Mông ở Đắk Nông cũng di cư về huyện. Tình trạng di cư tự do đã phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế, bố trí dân cư và xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Với lượng dân cư tăng nhanh trong thời gian ngắn đã gây khó khăn cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, đầu tư các công trình, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đỉnh điểm là vụ việc tập trung đông người tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé vào năm 2011.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 79 nhằm sắp xếp ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân di cư trên địa bàn huyện Mường Nhé; thực hiện cơ chế chính sách, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ đời sống để xóa đói giảm nghèo cho nhân dân; từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội tại hàng trăm bản trên địa bàn huyện Mường Nhé. Phạm vi của Đề án 79 nằm ở 21 xã của huyện Mường Nhé và huyện Nậm Pồ. Trong đó, huyện Mường Nhé có 11 xã gồm: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Vì, Mường Toong, Huổi Lếch, Pá Mỳ, Nậm Kè, Quảng Lâm. Mục tiêu cụ thể là bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống cho 12.205 hộ với 68.318 nhân khẩu, thuộc 171 bản và 14 nhóm dân cư hiện có. Đến hết năm 2020 toàn vùng Đề án có 13.434 hộ với trên 7,4 vạn người thuộc 219 bản được định canh, định cư (bao gồm 171 bản hiện có; 2 bản hiện có nhưng phải di chuyển để tái thành lập bản tại nơi ở mới; 14 bản được chia tách hành chính để quản lý; 32 bản thành lập mới sau khi bố trí, sắp xếp các hộ dân).
Cùng với bản Si Ma 2, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án 79, tình hình dân cư trên địa bàn vùng Đề án của huyện Mường Nhé đã cơ bản ổn định, không còn tình trạng dân di cư từ nơi khác đến. Nhiều công trình hạ tầng cơ bản phục vụ nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt, sản xuất tại các điểm bố trí dân cư được đầu tư như: Cấp nước sinh hoạt, đường giao thông, thủy lợi, nhà lớp học... Đến nay, huyện Mường Nhé đã thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành, quyết toán 140 danh mục được đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2020; các dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến 439 tỷ đồng cơ bản hoành thành công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện thi công xây dựng. Huyện Mường Nhé thực hiện bố trí dân cư tại 219 bản cho 11.892 hộ (đạt 97% mục tiêu Đề án). Các chính sách hỗ trợ đời sống, sản xuất đã được thực hiện với nguồn lực chủ yếu từ Đề án và huy động lồng ghép từ nhiều chương trình khác, nguồn xã hội hóa. Với nhiều chính sách đồng bộ được thực hiện, đời sống người dân từng bước ổn định và phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo huyện Mường Nhé giảm còn 54% (năm 2015 là 75%). Tuy vậy, việc thực hiện Đề án 79 tại miền biên viễn Mường Nhé vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực thực hiện để đảm bảo cho người dân an cư tại nơi ở mới…
Bài 2: Chưa lạc nghiệp ở dự án an cư