Bài 3: Sức sống mới trên những đỉnh núi mờ sương
ĐBP - Những năm qua, đời sống đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường Ảng được nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn vùng cao có nhiều đổi thay rõ nét. Kết quả đó là nhờ năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng được nâng cao, phát huy được vai trò của đảng viên - những “hạt giống đỏ” trong vùng đồng bào dân tộc Mông.
Bài 2: Phát triển Đảng vùng đồng bào có đạo
Bài 1: Kết thúc cuộc tranh chấp đất đai hơn 3 thập kỷ
Áp dụng cách thức sản xuất mới
Mỗi khi nhắc đến anh Vừ A Lồng, Bí thư chi bộ bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch, bà con trong bản luôn dành cho anh tình cảm yêu mến, kính trọng. Không chỉ vì anh Lồng là một Bí thư Chi bộ gương mẫu, năng động, trách nhiệm với công việc, làm kinh tế giỏi, mà còn là người bạn thân thiết, sẵn sàng chia sẻ với những vất vả của bà con.
Bản Huổi Lướng có 31 hộ, chi bộ có 7 đảng viên 100% là người dân tộc Mông. Người dân chủ yếu làm nương và chăn thả rông vật nuôi. Trước đây do nhận thức còn hạn chế và thiếu đất sản xuất nên cái đói, cái nghèo luôn hiện hữu trong nhiều ngôi nhà của bà con. Gắn bó với dân bản gần 40 năm, với sự hiểu biết và trách nhiệm của người đảng viên phải làm gì để thay đổi cuộc sống của bà con, thay đổi suy nghĩ lạc hậu, đã ăn sâu trong tiềm thức của người Mông nơi đây là điều người đảng viên Vừ A Lồng luôn trăn trở.
Dáng người to đậm, giọng nói hoạt bát cùng nụ cười hiền lành là những ấn tượng đầu tiên về Bí thư chi bộ Vừ A Lồng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lồng bộc bạch: Với tư cách là người đảng viên, trong suốt 4 năm làm Bí thư chi bộ, tôi luôn tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu biếtvà làm theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thay đổi tư duy làm kinh tế, xây dựng gia đình, bản văn hóa. Để giúp bà con phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tôi cùng các đảng viên tích cực vận động bà con bỏ lối canh tác cũ, khai thác tiềm năng đất đai để trồng lúa, ngô, không để đất nghỉ, trồng luân canh, tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; không phá rừng làm nương, cùng nhau giữ rừng.
Ðể người dân tin tưởng làm theo, là người đảng viên anh Lồng luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, nhất là trong lao động, sản xuất, phát triểm kinh tế gia đình. Hiện gia đình anh có gần 30 con trâu, bò; đàn lợn gần 60 con to, nhỏ. Cách đây mấy năm gia đình anh còn có gần 30 con dê nuôi thả, nhưng giờ đã bán bớt chỉ duy trì ít con nuôi nhốt.
Ông Mùa A Pó, người dân bản Huổi Lướng tâm sự: “Lúc đầu gia đình mình cũng khó khăn lắm, sau được Bí thư Lồng đến tuyên truyền, vận động, chỉ cho cách làm kinh tế, nhờ đó mà cuộc sống gia đình bây giờ đã ổn định rồi, nhà mình cũng có hơn 10 con trâu, bò.”
Những nỗ lực của anh Vừ A Lồng đã được đền đáp xứng đáng khi đa số bà con trong bản đã biết luân canh, tăng vụ, trồng ngô, lúa; nuôi trâu, bò. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong bản đã giảm từ 100% xuống còn 60%.
Anh Hờ A Dẩu, Phó Chủ tịch UBND xã Nặm Lịch, nhận xét: “Đồng chí Lồng rất năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm. Mọi công việc của bản đều được đồng chí triển khai rất nhanh đến các hộ dân. Là người đảng viên, người Bí thư Chi bộ luôn nêu gương sáng, hết lòng quan tâm đến đời sống của bà con.”
Phủ xanh đất bạc màu
Sinh ra và lớn lên tại bản vùng cao xã Ẳng Cang, anh Sùng A Tủa, Bí thư chi bộ bản Pu Cai hiểu hơn ai hết những khó khăn vất vả của người Mông nơi đây. Với trách nhiệm của một Bí thư chi bộ, anh Tủa luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế và giữ gìn, bảo vệ rừng.
Những năm trước đây, đời sống của người dân trong bản còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu là trồng lúa nương và chăn nuôi mang tính tự cung, tự cấp. Từ năm 2018 trở về đây khi được chi trả dịch vụ môi trường rừng 400 nghìn đồng/1ha, bà con dân bản đã tích cực bảo vệ rừng và hướng phát triển kinh tế nhờ vào rừng. Bản thống nhất đưa nội dung bảo vệ rừng vào hương ước. Hằng năm, các hộ ký cam kết bảo vệ rừng; thành lập tổ bảo vệ rừng. Các thành viên trong tổ thường xuyên phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn tuần tra diện tích rừng, phát dọn đường băng cản lửa hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng. Ngoài ra, nhân dân bản Pu Cai còn trồng thảo quả dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập.
Anh Sùng A Nếnh, thành viên tổ bảo vệ rừng của bản Pu Cai, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, nếu phát hiện người chặt phá rừng, hoặc đốt nương gây nguy cơ cháy rừng, chúng tôi báo cáo với Ban quản lý bản để xử lý. Rừng đã cho chúng tôi nước sinh hoạt, hằng năm bản còn được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, nên bà con tích cực tham gia bảo vệ”.
Không chỉ tập trung giữ diện tích rừng hiện có, những năm gần đây Pu Cai luôn dẫn đầu huyện về phong trào trồng rừng. Anh Sùng A Tủa, Bí thư chi bộ bản Pu Cai chia sẻ: Khi có kế hoạch trồng rừng của xã, chúng tôi đã đến từng hộ dân để tuyên truyền vận động bà con tham gia cùng trồng rừng. Trước đây việc vận động gặp rất nhiều khó khăn vì đa số lo lắng trồng rừng vào đất sản xuất nên bà con không đồng ý. Chi bộ đã họp và thống nhất đảng viên là những người tiên phong trong việc trồng rừng. 6 đảng viên trong chi bộ gương mẫu đăng ký trồng rừng, đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động họ hàng và dân bản cùng tham gia. Khi thấy các đảng viên chúng tôi trồng rừng nhiều bà con trong bản làm theo, giờ đây cả bản đã tham gia trồng rừng. Trong 2 năm 2022 - 2023 bản Pu Cai đã trồng được 85ha rừng trên các diện tích đất nương bạc màu kém hiệu quả.Những mô hình, cách làm hiệu quả của những đảng viên người Mông đã lan toả trong cộng đồng dân cư nơi họ đang sinh sống. Góp phần đưa sức sống mới đến những thôn bản trên đỉnh núi mờ sương./.